|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mô hình giáo dục phi lợi nhuận của nhóm du học sinh Việt

07:25 | 07/12/2016
Chia sẻ
7 cựu du học sinh xây dựng website cung cấp miễn phí bài giảng của các trường đại học hàng đầu thế giới cho người dùng Việt Nam.

Cùng học chung đại học ở Hàn Quốc, nhóm sáng lập dự án Kiến Học tình cờ quen biết và thân thiết sau nhiều hoạt động ngoại khóa. Cách biệt về tuổi (từ 22 đến 34) nhưng mọi người đều rất quan tâm tới những dự án giáo dục.

Cơ duyên khởi nghiệp của nhóm đến vào tháng 9/2015. Khi đó, anh Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1987, Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính, trường Đại học Quốc gia Australia) đề xuất lập dự án về dự án giáo dục mở ở bậc đại học và sau đại học với chất lượng quốc tế, được Việt hóa và miễn phí. Ban đầu, nhiều câu hỏi được đặt ra về startup phi lợi nhuận này nhưng sau cùng tất cả đều đồng tình và chọn lĩnh vực giáo dục chất lượng cao để khởi nghiệp.

mo hinh giao duc phi loi nhuan cua nhom du hoc sinh viet
Anh Nguyễn Văn Trung, trưởng nhóm sáng lập Kiến Học (Ảnh: VnExpress)

7 cựu du học sinh này muốn xóa bỏ rào cản về chi phí học tập và ngôn ngữ, tạo cơ hội cho người Việt tiếp cận với các nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Sau nhiều lần điều chỉnh và tham khảo các ý kiến từ nhiều chuyên gia, từ vấn đề kỹ thuật đến quan ngại về bản quyền, nhóm đã chốt cách thức vận hành. Họ bắt tay xây dựng trang web cũng như chọn các khóa học đầu tiên để dịch.

2 nguồn tư liệu cho khoá học được lấy từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới với giấy phép về bản quyền và các kênh Youtube nổi tiếng về giáo dục.

Tháng 10/2015, nhóm bắt đầu tìm kiếm tình nguyện viên dịch thuật đầu tiên. Nhờ ý nghĩa của dự án nên khá đông tình nguyện viên là sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài nước ủng hộ. Đội ngũ cố vấn khóa học dù bận rộn vẫn dành thời gian để hỗ trợ, giúp đỡ Kiến Học. Cùng thời gian này, nhóm còn nhận được tài trợ từ Microsoft cho một phần chi phí máy chủ.

Để đảm bảo tư liệu cho khóa học của mình có ích, ban điều hành luôn chọn lọc nội dung chất lượng cao. Các bản dịch Anh - Việt cũng được kiểm tra chặt chẽ.

Ban đầu, nhóm hướng đến phục vụ đối tượng người học không biết tiếng Anh, nhưng hiện nay cũng có rất nhiều người giỏi ngoại ngữ sử dụng Kiến Học để kết hợp học thêm tiếng Anh chuyên ngành. Nhờ đó, đối tượng người học được mở rộng.

Điểm khác biệt của các khóa học này là khuyến khích sự tương tác, tranh luận giữa các học viên, tránh tình trạng học thụ động. Các khóa học có phụ đề tiếng Việt giúp người dùng hướng tới việc tự theo học bằng tiếng Anh trên những trang web học tập trực tuyến khác.

Quá trình làm việc nhóm không tránh khỏi xung đột, song, mọi bất đồng đều được xử lý ổn thỏa. "Một vài trường hợp, không thể thuyết phục nhau bằng lý lẽ logic, chúng tôi thường chấp nhận thử nghiệm các cách làm khác nhau được đề xuất, rồi sau đó tổng kết lại kết quả và ra quyết định cuối cùng", Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung - trưởng nhóm cho biết.

Với nguồn tài chính eo hẹp, Kiến Học đang vận hành với chi phí thấp vì cố vấn và tình nguyện viên hiện đều không nhận gì về mình. Tuy nhiên, nguồn lực này cũng có giới hạn. Nhiều cố vấn và tình nguyện viên bỏ giữa chừng. Bởi công việc diễn ra hàng tuần, đôi khi hàng ngày, để ra mắt một khoá học mới phải tốn nhiều thời gian, công sức.

Khó khăn không ít nhưng sự chung lòng, bản lĩnh giúp 7 cựu du học sinh đang đi đúng hướng, sải bước tới thành công. Chỉ trong một thời gian ngắn, Kiến Học đã cho ra mắt hơn 20 khoá học với hàng trăm nghìn lượt xem bài giảng, thu hút hơn 11.000 người học với hơn 17.000 lượt ghi danh.

Những bài giảng hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực như khoa học máy tính, sinh học, hóa hữu cơ, tâm lý học, kinh tế vi mô, tài chính, phân tích dữ liệu... từ các trường đại học tên tuổi như MIT, Harvard, Yale, Stanford… mang lại trải nghiệm học tập mới mẻ và nhận nhiều phản hồi tích cực từ người học. Kiến Học dự định tạo ra 50 khoá học trong năm tới và nâng số người học lên 30.000.

Mục tiêu của dự án là miễn phí hầu hết các khoá học. Trong tương lai, đơn vị này dự định chỉ thu phí một số dịch vụ cộng thêm, ví dụ như trợ giảng cá nhân một kèm một, chấm bài và sửa bài tập..., để có tiền trang trải chi phí hoạt động. "Song, về cơ bản, Kiến Học là một startup nhưng theo mô hình phi lợi nhuận, tất cả là để phục vụ cho cộng đồng", anh Trung cho biết.

Khi tài chính cải thiện, ban quản trị Kiến Học dự định tăng cường sự trợ giúp của cố vấn và trợ giảng cho học viên lên mức cao hơn, theo sát quá trình học của học viên để đảm bảo mọi người hoàn tất khoá học và thu được nhiều kiến thức nhất. Nhóm cũng dự định sẽ tổ chức các kỳ thi và đánh giá nghiêm ngặt hơn.

Mai Tuyết