|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mất mùa, giá vải thiều tăng gấp rưỡi

08:20 | 26/05/2024
Chia sẻ
Vải thiều (Bắc Giang) năm nay mất mùa, sản lượng giảm mạnh khiến người trồng lỗ dù giá tăng gấp rưỡi.

Năm ngoái 40 cây vải nhà chị Oanh trĩu quả, cho doanh thu 150 triệu đồng, nay cây thưa thớt trái nên chỉ thu về được 100 triệu. "Trồng vải 7 năm nay, tôi chưa bao giờ thấy mất mùa như vậy", chị Oanh nói.

Tương tự, Anh Huy ở Bắc Giang cho biết hồi cuối năm đã nhìn thấy hoa vải nhưng chỉ sau một trận mưa rét thì hư hết. Với 300 gốc, sản lượng giảm hơn 90%. "Mùa vải năm nay coi như mất trắng, dù giá có cao cũng thua lỗ", anh Huy cho hay.

Chăm sóc bài bản và theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAp nhưng anh Giang ở xã Thanh Sơn cũng không tránh khỏi cảnh mất mùa. Theo anh Giang, 5 ha vải nhà anh năm nay sản lượng dự kiến giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Với mức giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua tăng gấp rưỡi, dự kiến doanh thu bằng 80% của năm ngoái.

Vườn vải thiều năm nay của các hộ trồng chỉ lác đác quả. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ các hộ trồng ở Bắc Giang, tại Hưng Yên, Hải Dương và các vùng Tây Nguyên cũng phải chịu cảnh mất mùa. Sản lượng giảm tới 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Đồng Thị Thu Hương - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến (Hưng Yên), cho biết 400 ha vải lai của hợp tác xã năm nay giảm 50% sản lượng. Nếu năm ngoái hợp tác xã bán xô cả vườn với giá 15.000 đồng một kg vải lai, năm nay đang được các đơn vị phân phối trả 23.000-25.000 đồng.

"Ước tính doanh thu vụ năm nay của toàn hợp tác xã giảm 20-30% so với cùng kỳ do sản lượng giảm mạnh bất chấp giá tăng cao", bà Hương thông tin.

Thống kê của Sở Nông nghiệp Hưng Yên dự báo năm nay sản lượng đạt 13.000-14.000 tấn, giảm 30% so với năm ngoái.

Ở Bắc Giang, tỉnh có 30.000 ha vải, mỗi năm thu 200.000 tấn. Năm nay, Sở nông nghiệp Bắc Giang dự tính sản lượng giảm 50% còn 100.000 tấn, trong đó một nửa là vải sớm.

Tại Hải Dương sản lượng vải đạt khoảng 45.000 tấn, bằng 77% so năm trước.

Lý giải nguyên nhân vải mất mùa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cho rằng thời tiết bất ổn khiến tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp. Mùa Đông năm ngoái có nhiệt độ bình quân cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5 độ C, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Bên cạnh đó, thời tiết từ giữa tháng 1 đến nửa đầu tháng 2 năm nay có các đợt không khí lạnh ngắn, mưa nhỏ kéo dài làm độ ẩm không khí, đất cao khiến nhiều diện tích vải có hiện tượng ra lộc, ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, ngoài yếu tố thời tiết, năm ngoái vải cho sản lượng cao nên năm nay không còn nhiều "sức" để cho ra vụ thu hoạch bội thu.

Sản lượng vải đồng loạt giảm trên cả nước, song theo ông Nguyễn Như Cường Cục trưởng Cục Trồng trọt, giá sẽ tăng cao, người nông dân vẫn có thể thu được lợi nhuận.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, họ đang điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vì nguồn cung trên thị trường giảm, giá đang tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ lo thiếu nguồn cung vì năm nay công ty mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia. "Ngoài thị trường Australia, sắp tới chúng tôi sẽ xuất hàng sang Mỹ, Nhật, Canada", ông Thìn nói.

Theo các doanh nghiệp, khi "cung giảm cầu tăng" giá vải sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu tăng quá bất thường, hàng Việt sẽ khó xuất khẩu vì vải thiều của Việt Nam "không phải một mình một chợ" mà còn phải cạnh tranh với Đài Loan, Trung Quốc (đại lục), Mexico.

Khảo sát tại TP HCM và Hà Nội cho thấy giá vải bán lẻ trên thị trường đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá vải bình quân tại các cửa hàng 70.000-80.000 đồng một kg, cao gấp đôi so với năm ngoái.

Thi Hà