|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Mất khách du lịch, tiểu thương các chợ châu Á sống nhờ Facebook

17:23 | 17/07/2020
Chia sẻ
Các khu chợ dân dã nổi tiếng nhất thế giới hiu hắt vì COVID-19 cản chân khách du lịch, nhiều thương nhân Đông Nam Á chọn Facebook để lập "lô" bán hàng trực tuyến.

Không còn quang cảnh nhộn nhịp tiếng chào mời quen thuộc, khu chợ Chatuchak ngoài trời rộng lớn ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan, đìu hiu vắng bóng khách hàng. 

COVID-19 đi qua đã kéo theo hàng ngàn lô hàng nhỏ tại khu chợ đóng cửa kín mít cùng hàng trăm lối đi im ắng, khác hẳn hình ảnh khách du lịch chen chân giữa trời nắng oi bức trước đây, theo đưa tin từ Bloomberg.

Dù một số người dân địa phương đã bắt đầu mua sắm các nhu yếu phẩm trở lại, ngôi chợ nổi tiếng bậc nhất với mẫu mã hàng hóa đa dạng hầu như bị bỏ hoang.

Không đầu hàng trước dịch bệnh, các tiểu thương bị tước thu nhập từ quầy hàng tại các chợ nay đã tìm ra hướng đi mới để thích nghi và sinh tồn, đó chính là số hóa.

Mất khách du lịch, tiểu thương các chợ châu Á sống nhờ Facebook - Ảnh 1.

Khung cảnh đìu hiu tại khu chợ lớn nhất Thái Lan - chợ Chatuchak, hàng ngàn lô bán hàng phủi bụi vì thiếu bóng khách du lịch. (Ảnh: Bloomberg).

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram đang trở thành những "thánh địa" mới, giúp các tiểu thương khai thông hàng hóa. Số lượng các tiểu thương chuyển đổi sang hình thức mua bán, mặc cả trực tuyến mở rộng, nhanh chóng biến Thái Lan thành thị trường có lượng giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, theo Tập đoàn Line.

Tiểu thương Thái Lan rục rịch bán hàng online

Tất cả mọi mặt hàng từ bánh nướng tại nhà đến các sản phẩm vệ sinh đều được bày bán trên ngôi chợ trực tuyến của Thái Lan, thậm chí nhiều ngư dân còn đăng bán sản phẩm vừa đánh bắt từ biển Andaman mỗi ngày.

Không chỉ ở Thái Lan, xu hướng số hóa cũng rất thịnh hành với các tiểu thương Indonesia và Philippines, nơi phổ biến hình thức buôn bán ngoài trời, bán hàng rong hay bán lẻ truyền thống nhờ COVID-19.

Tiểu thương Lalilladar Sirisukamon, chủ quầy hàng bán trang sức ở chợ Chatuchak kể từ năm 2013, chia sẻ với Bloomberg rằng ngay khi COVID-19 ập đến và tình hình bán hàng chững lại, cô đã chuyển sang bán hàng online.

"Quầy ở chợ Chatuchak là nơi có tình trạng vệ sinh và mức sạch sẽ thấp nhất trong số tất cả các cửa hàng của chúng tôi, nên chúng tôi vẫn chần chừ chưa mở cửa trở lại", tiểu thương Lalilladar Sirisukamon nói.

Cô cho biết để trang trải các chi phí và tiền lương cho nhân viên, các cửa hàng bắt đầu bán hàng trực tiếp trên các mạng xã hội. "Đó là thứ duy nhất giúp chúng tôi sống sót đến hiện tại", cô nhận định.

Mất khách du lịch, tiểu thương các chợ châu Á sống nhờ Facebook - Ảnh 2.

Cô Lalilladar Sirisukamon, chủ quầy hàng bán trang sức ở chợ Chatuchak, Thái Lan, hiện đã chuyển hoạt động kinh doanh online. (Ảnh: Bloomberg).

Phần lớn các hoạt động thương mại trực tuyến ở Thái Lan là "thương mại đàm thoại", một loại hình mua bán diễn ra trong các phòng chat, các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp hay các nền tảng như Instagram.

Phương thức này đặc biệt hữu ích với các tiểu thương, giúp họ kết nối nhanh chóng và trực tiếp với người tiêu dùng, cung cấp dịch vụ một cách cá nhân hóa mà không cần khoản đầu tư nào.

"Chỉ cần biết cách chụp ảnh sao cho đẹp, cách đăng ảnh lên mạng và lập giá cho sản phẩm", bà Vilaiporn Taweelappontong - đối tác tư vấn hàng đầu của PwC Thái Lan – nhận định. Bà lí giải ban đầu thường là những vật dụng nhỏ lẻ, các sản phẩm thực phẩm như bánh qui tự làm, giờ ngay cả những mặt hàng giá trị cao như đất đai, nhà cửa, căn hộ chung cư  đều được rao bán trực tuyến. 

Thậm chí các thương hiệu lớn cũng tham gia vào xu hướng này. Năm 2019, Tập đoàn McDonald bắt đầu sử dụng loại hình quảng cáo livestream trực tuyến trên Facebook để tiếp cận 3,5 triệu người dùng tại Philippines trong hai tháng.

Thương mại điện tử cho các tiểu thương: Tiềm năng cực kì lớn

Song, một điểm trừ lớn khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội để trao đổi buôn bán là nhiều trong số này chưa có hệ thống thanh toán. Tiền mua hàng thường phải qua chuyển khoản ngân hàng hay trả tiền mặt khi nhận hàng, hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng từ hai phía.

Nắm bắt thời cơ, "gã khổng lồ" công nghệ Facebook gần đây đã ra mắt tính năng Shops, cho phép người dùng mở các cửa hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, dự kiến tung ra dịch vụ tương tự cho Instagram vào cuối năm.

Mất khách du lịch, tiểu thương các chợ châu Á sống nhờ Facebook - Ảnh 3.

Việt Nam nằm trong top những nước dự kiến có mức tăng trưởng thương mại điện tử trong 5 năm tới cao nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Bloomberg).

Facebook là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Philippines với 98% trong số khoảng 73 triệu người dùng internet hiện đang sử dụng. Kể từ giai đoạn phong tỏa tháng 3, hình thức thương mại đàm thoại mọc lên như nấm sau mưa tại quốc gia này. Hàng ngàn tiểu thương Philippines chuyển sang các nền tảng trực tuyến như Facebook hay Viber để bán hàng.

Bloomberg nhận định, tiềm năng phát triển cho thị trường này là cực kì lớn.

Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co., trên phương diện tổng giá trị hàng hóa, tổng nền kinh tế internet của Philippines năm 2019 có giá trị 7 tỉ USD tính cả thương mại điện tử, thấp nhất trong khu vực. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 25 tỉ USD vào năm 2025.

Các quốc gia khác với nền tảng tương mại điện tử tốt hơn như Indonesia dự báo đạt 133 tỉ USD, Thái Lan đạt 50 tỉ USD và Việt Nam là 43 tỉ USD vào năm 2025.

Điêu Quân