Mang tới mô hình kinh doanh hàng hiệu đã qua sử dụng khiến cả Shark Hưng và Shark Liên muốn rót tiền đầu tư nhưng đều bị startup từ chối
Cổ vũ xu hướng thời trang bền vững và bảo vệ môi trường bằng việc tái sử dụng hàng hiệu, anh Tạ Xuân Hiền mang dự án JooLux đến kêu gọi vốn đầu tư trong tập 12 "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam"mùa 4. Theo chia sẻ của CEO và người đồng sáng lập, JooLux là một sàn giao dịch hàng hiệu đã qua sử dụng. Anh Hiền mong muốn kêu gọi 300.000 USD cho 10% cổ phần công ty.
Theo CEO Tạ Xuân Hiền, tất cả các sản phẩm hàng hiệu xuất hiện trên JooLux đều phải trải qua quy trình kiểm định rất ngặt nghèo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Anh Hiền giới thiệu một thiết bị đặc biệt phục vụ cho quá trình này với khả năng thu thập dữ liệu hình ảnh phóng to tới 400 lần. Khi thu thập dữ liệu để đánh giá, JooLux phụ thuộc vào 4 thành phần chính: lớp da của bề mặt bên ngoài, lớp da của bề mặt bên trong, logo in trên bề mặt da và logo in trên bề mặt kim loại.
Sau khi thu thập và gửi lên khi dữ liệu bao gồm khoảng 50 triệu hình ảnh, thuật toán AI sẽ dùng điểm ảnh và so sánh hình ảnh để đưa ra kết quả với mức độ chính xác hiện tại là 99,1%. Phối hợp với đội ngũ chuyên gia, JooLux có thể cam kết bảo hiểm 100% giá trị sản phẩm được sàn giao dịch này gắn mác chính hãng.
Anh Tạ Xuân Hiền cho biết JooLux ra đời sau khi anh nhận thấy những người sử dụng hàng hiệu thường có một tủ đồ với nhiều món đồ chỉ được dùng một, hai lần hoặc thậm chí chưa từng được sử dụng. Hành vi tiêu dùng này tạo ra một sự lãng phí lớn. Hiện tại, JooLux hoạt động theo mô hình chính là ký gửi. Theo đó, sàn giao dịch này cung cấp một dịch vụ toàn diện cho người dùng, bao gồm tất cả các bước như lấy sản phẩm, kiểm định, định giá, phục chế, sửa chữa hàng hiệu, đăng sản phẩm và bán cho người cuối cùng.
JooLux hiện tại cũng đang đi theo mô hình O2O (online-to-offline). Ngoài một sàn giao dịch trực tuyến, JooLux cũng có một cửa hàng chính tại TP HCM và bốn cửa hàng theo dạng shop-in-shop ở Hà Nội và TP HCM. Trong năm 2020, JooLux có GMV (tổng giá trị hàng hoá giao dịch) đạt 2 triệu USD cùng doanh thu 300.000 USD.
Anh Tạ Xuân Hiền là người có kiến thức nền tảng trong lĩnh vực kỹ thuật. Anh từng theo đuổi bằng Tiến sỹ ngành Xây dựng và Môi trường ở Mỹ. Sau khi hoàn thành chương trình học, anh quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử. Mô hình đầu tiên mà anh Hiền thực hiện là đấu giá trực tuyến, trong đó có đấu giá hàng hiệu. Về sau, anh Hiền co hẹp mô hình lại tập trung vào hàng hiệu.
Tổng đầu tư vào JooLux hiện đạt 200.000 USD, trong khi đó công ty đạt đến điểm hoà vốn vào năm 2020. Với mô hình bán hàng, JooLux kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, mô hình trực tuyến phần lớn thông qua nền tảng và kênh xã hội.
Ở mô hình trực tiếp, JooLux muốn đẩy mạnh thêm mô hình shop-in-shop trong vai trò là nơi tiếp nhận hàng hoá trước khi chuyển sang các cửa hàng chính để xử lý. Theo JooLux, một trong những "long mạch" mà startup này cần tìm ra để thực sự bùng nổ là nâng cao hoạt động marketing và thương hiệu. Bên cạnh đó, JooLux cũng xác định mô hình offline và online phải luôn song hành. Startup này cũng mong muốn sớm mở rộng được tại thị trường Hà Nội.
Shark Phú cho rằng với mô hình của JooLux chưa cần thực hiện gọi vốn quá nhiều mà cần tập trung vào xây dựng thương hiệu. Shark Phú nhận định nếu kêu gọi được sự đầu tư của các Shark nữ như Shark Linh hay Shark Liên có thể mang lại hiệu ứng tốt hơn.
Về phần mình, Shark Linh muốn hiểu về việc doanh thu của JooLux có phải chịu ảnh hưởng từ COVID-19 hay không. Anh Tạ Xuân Hiền cho biết doanh thu trong năm 2020 và 2019 của startup này gần như đi ngang.
Dù vậy, anh nhìn nhận COVID-19 như một cơ hội lớn cho JooLux khi nhìn nhận ở hai khía cạnh số lượng ký gửi hàng hiệu tăng lên do nhu cầu tài chính và người tiêu dùng khó mua hàng mới do không thể sang được nước ngoài.
Về người bán và người mua, JooLux thừa nhận gặp khó khăn nhiều hơn ở khía cạnh người mua. Tuy nhiên, startup này đang tìm cách giải quyết bằng cách hình thức như thanh toán trả góp. Trong khi đó, với người bán, JooLux chủ yếu tiếp cận thông qua cách bán trực tiếp (direct sale).
Shark Hưng cũng tiếp tục nhấn mạnh JooLux có mô hình kinh doanh khá truyền thống và không cần "đầu tư quá kinh khủng". Hai vấn đề mà JooLux cần làm tốt để thành công là định giá chuẩn và marketing tốt, Shark Hưng nhận định.
Shark Bình cho rằng JooLux khá có khả năng tăng trưởng nhanh. Vì thế, nó không thuộc khẩu vị đầu tư và Shark Bình không đầu tư. Shark Linh cũng cho rằng JooLux cũng khó có khả năng tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, startup này cũng chia sẻ rằng cần GMV tăng trưởng thêm tới 10 lần (20 triệu USD) mới có lãi khiến Shark Linh cảm thấy đây chưa phải thời điểm tốt để đầu tư vào JooLux. Shark Phú cũng không đầu tư do không có kinh nghiệm ở ngành hàng này.
Shark Hưng tỏ ra hứng thú với JooLux tuy nhiên ông cho rằng mức kêu gọi của JooLux là khó tiếp cận. Shark Hưng sẵn sàng đầu tư 50.000 USD cho 10% cổ phần. Tuy nhiên, do luật của chương trình, JooLux cần đi kêu gọi thêm từ các Shark khác với số tiền 250.000 USD. Cuối cùng, Shark Liên đồng ý tham gia đầu tư của Shark Hưng. Hai Shark này đưa ra đề nghị 300.000 USD cho 60% cổ phần, trong đó 100.000 USD bằng tiền và 200.000 USD bằng giá trị hàng hoá (túi, giày của Shark Liên).
Do chỉ có thể chia sẻ được tối đa 15% cổ phần công ty, anh Tạ Xuân Hiền từ chối đề nghị đầu tư nói trên.