|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Made in China 2025': Chiến lược bơm tiền với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xe điện và sản xuất chip

10:41 | 22/07/2022
Chia sẻ
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cung cấp các gói hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp trọng điểm, đặc biệt là các doanh nghiệp về xe điện và sản xuất chip.

Khoảng 7 năm sau khi Bắc Kinh đưa ra kế hoạch "Made in China 2025" nhằm thúc đẩy sản xuất tiên tiến trong nước, thuật ngữ này hầu như không còn xuất hiện một cách công khai, theo Asia Nikkei.

Tuy nhiên, kế hoạch này chưa “chết”. Nó tồn tại và phát triển dưới dạng các khoản trợ cấp của chính phủ đối với các công ty được ưu ái như những nhà sản xuất xe điện và nhà sản xuất chip.

"Made in China 2025" lần đầu được tiết lộ vào tháng 5/2015 với sự phô trương lớn và nhằm mục đích biến Trung Quốc "từ một gã khổng lồ trong ngành sản xuất thành một cường quốc sản xuất trên thế giới" vào năm 2049.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã cung cấp các gói hỗ trợ tài chính để giúp lĩnh vực công nghệ trên lãnh thổ của họ phát triển vì nhiều lý do khác nhau. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt với mục tiêu dài hạn của Chủ tịch Tập Cận Bình là tạo ra “một nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và thịnh vượng” vào năm đó.

Kế hoạch đã nêu rõ 10 lĩnh vực chính cần thúc đẩy gồm công nghệ thông tin (CNTT), robot và phương tiện năng lượng mới, thông qua công nghệ sinh học và máy móc nông nghiệp, đến thiết bị hàng không, hàng hải và đường sắt. Các nhà chức trách cũng hứa sẽ khuyến khích đổi mới với sự kết hợp của các phương pháp tiếp cận theo định hướng thị trường và chỉ đạo của chính phủ.

Bắc Kinh đã ngừng sử dụng thuật ngữ này khi Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dù vậy, một phân tích của Nikkei Asia về dữ liệu do Fitch Ratings tổng hợp cho thấy những đơn vị nhận trợ cấp chính phủ hàng đầu chủ yếu là các công ty công nghệ có liên hệ chặt chẽ với ké hoạch "Made in China 2025".

Các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp niêm yết trong nước. (Nguồn: Fitch Ratings).

Các doanh nghiệp xe điện và chip hưởng lợi

Do không có dữ liệu chính xác từ chính phủ Trung Quốc về các khoản trợ cấp của nhà nước, Fitch đã thu thập các thông tin công khai của gần 5.000 công ty niêm yết tại quốc gia này.

SAIC Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc theo quy mô, vào năm 2021 đã nhận được số tiền trợ cấp nhiều nhất, 4,03 tỷ nhân dân tệ (598 triệu USD), cao hơn 31% so với năm trước, soán ngôi vương từ China Petroleum & Chemical, hay Sinopec, đơn vị đã thống trị trong nhiều năm.

Ba nhà sản xuất ô tô khác lọt vào top 10 gồm BYD, Great Wall Motor và Anhui Jianghuai Automobile Group (JAC). Cùng với các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp ô tô cho thấy ưu tiên của Bắc Kinh là nuôi dưỡng sản xuất xe năng lượng mới trong nước trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô đang đua nhau chuyển sang xe điện.

Top 20 doanh nghiệp nhận nhiều khoản trợ cấp nhất từ chính phủ Trung Quốc. (Nguồn: Fitch Ratings/Asia Nikkei Research).

BYD, công ty gần đây đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới về doanh số bán xe, đã công bố hơn 10 khoản trợ cấp trong báo cáo thường niên mới nhất, bao gồm các khoản tiền lớn từ hai "quỹ phát triển công nghiệp".

Great Wall, một nhà sản xuất xe SUV lớn, đã chứng kiến ​​mức hỗ trợ của họ tăng 73% so với năm trước, và lên gần gấp 4 lần năm 2019. Một phần lớn đến từ "quỹ hỗ trợ chính sách công nghiệp của chính phủ".

JAC, công ty chủ yếu sản xuất xe thương mại, đã nhận hơn 20 khoản trợ cấp, trong đó khoản lớn nhất dành cho "dự án xây dựng xe tải nhẹ chạy điện cao cấp". Các khoản trợ cấp của chính phủ cho JAC gần như tăng gấp đôi trong ba năm qua.

Không nằm trong top 10, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, Contemporary Amperex Technology, hay CATL, đứng ở vị trí thứ 11, đã chứng kiến khoản trợ cấp hàng năm của hãng tăng 2,6 lần lên 1,67 tỷ nhân dân tệ trong ba năm. Chongqing Changan Automobiles và Guangzhou Automobiles cũng nằm trong số 20 doanh nghiệp nhận nhiều khoản hỗ trợ nhất.

Các nhà sản xuất chip cũng được chú ý. Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), đơn vị sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc và BOE Technology Group, nhà sản xuất màn hình lớn, đã lọt vào top 10. Trong khi đó, nhà cung cấp mạng 5G China Mobile đứng thứ 9 và China Telecom đứng thứ 19.

Nguồn vốn cũng được rót cho các công ty nhỏ hơn. Một cuộc kiểm tra cho thấy các nhà sản xuất thuốc công nghệ sinh học như Shanghai Yizhong Pharmaceutical và Mabwell (Shanghai) Bioscience cũng được nhận các khoản trợ cấp khác.

Lo ngại về chính sách "Made in China 2025"

Các nhà chức trách nước ngoài tiếp tục lo ngại về chính sách "Made in China 2025". Sách trắng hàng năm của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), được xuất bản vào cuối tháng trước, đã dành một phần để nói về khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc và định lượng sự gia tăng liên tục của các khoản thanh toán cho các công ty trong 10 lĩnh vực cốt lõi.

Tính đến năm 2020, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho các công ty có liên quan đến chính sách “Made in China 2025” đạt khoảng 100 tỷ nhân dân tệ, tăng gần gấp đôi so với năm 2015, thời điểm thuật ngữ này lần đầu xuất hiện.

Tổng số tiền trợ cấp của chính phủ Trung Quốc vào năm 2021, theo kiểm kê của Fitch, là 217,92 tỷ nhân dân tệ, giảm 3,2% so với năm 2020. Đây là mức giảm đầu tiên trong năm kể từ năm 2009, nhưng tất cả các chuyên gia được Nikkei Asia liên hệ đều tin rằng không có thay đổi nào trong chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ các công ty công nghệ. Sự sụt giảm này được coi là tạm thời và chỉ mang tính kỹ thuật.

Sự sụt giảm có thể là do phương pháp thu thập số liệu. Tổng số tiền được tính bằng cách lấy tổng số tiền trợ cấp của chính phủ được ghi trong báo cáo lãi lỗ của mỗi năm. Có những sự chậm trễ khi các khoản trợ cấp được trao nhưng chỉ nằm trên bảng cân đối kế toán và các doanh nghiệp có thể chưa được nhận vào ngày ghi sổ.

Tuy nhiên, có những trường hợp nổi lên khi một số khaorn trợ cấp của chính phủ không được chuyển đến, xuất phát từ những hạn chế về tài chính đối với chính quyền địa phương.

Tập đoàn Công nghệ CPT, một nhà sản xuất màn hình LCD có trụ sở tại Phúc Kiến, mới đây đã đổ lỗi một phần dẫn tới việc lỗ ròng nửa đầu năm là do sự sụt giảm trong các khoản trợ cấp từ chính phủ.

Công ty niêm yết tại Thâm Quyến được cho là đã nhận được tổng cộng 2,64 tỷ nhân dân tệ từ chính quyền thành phố Phúc Điền trong 6 đợt hỗ trợ hàng năm trị giá 440 triệu nhân dân tệ sau khi nhà máy LCD mới nhất của họ tại thành phố đi vào hoạt động từ tháng 6/2017.

Dù vậy, lời hứa đáp ứng đầy đủ chỉ áp dụng trong năm đầu tiên. Số tiền này đã giảm xuống còn 300 triệu nhân dân tệ trong hai năm sau đó và giảm xuống còn 100 triệu nhân dân tệ vào tháng 6 năm ngoái. Năm nay, con số này đã giảm về 0.

Chính quyền Phúc Điền đã ban hành một lá thư hứa sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình, nhưng sau đó họ đã thừa nhận rằng đang đối mặt với sự "căng thẳng tài chính", theo thông tin từ CPT.

Đây có thể là những trường hợp cá biệt, nhưng việc điều kiện tài chính của chính quyền địa phương ngày càng xấu đi có thể ảnh hưởng đến lượng tiền công được chuyển đến ngay cả các công ty công nghệ chiến lược.

Shinichi Seki, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản chuyên về nền kinh tế Trung Quốc cho biết "tốc độ tăng trợ cấp của chính phủ sẽ giảm xuống do chính quyền địa phương thiếu vốn".

Ông Seki nhận thấy "ánh sáng và sắc thái sẽ rõ ràng và khác biệt hơn" trong những năm tới, có nghĩa là chính quyền địa phương sẽ cân nhắc và suy nghĩ kỹ hơn về những công ty có thể nhận được các khoản trợ cấp trong những năm tới.

Zhang Hongyong, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cũng dự đoán những thay đổi trong cách phân bổ trợ cấp của chính quyền địa phương, do tình trạng thiếu tiền mặt trong thời gian gần đây.

Doanh Chính