|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do khiến ECB chưa vội cắt giảm lãi suất

09:00 | 10/12/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày 14/12. Cho tới nay, nhiều ý kiến dự đoán của giới phân tích được đưa ra, bao gồm các kịch bản duy trì, tăng hoặc cắt giảm lãi suất.

Cuối tháng 10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ lãi suất ổn định ở mức 4% sau 10 lần tăng liên tiếp bắt đầu từ tháng 7/2022. Nhà kinh tế học Osama Rizvi dự báo khi lạm phát hạ nhiệt, ECB có thể cắt giảm lãi suất và điều này có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu.

Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày 14/12. Cho tới nay, nhiều ý kiến dự đoán của giới phân tích được đưa ra, bao gồm các kịch bản duy trì, tăng hoặc cắt giảm lãi suất.

Các nhà phân tích thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng ING có trụ ở tại Hà Lan đánh giá: “Trong những tuần gần đây, phát biểu của các quan chức ECB đã cho thấy thời kỳ đồng thuận hòa bình trong Hội đồng Thống đốc đã kết thúc.

Một số thành viên nói rằng họ vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất, trong khi những người khác đánh giá rằng còn quá sớm để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất, bên cạnh những ý kiến thừa nhận việc cắt giảm lãi suất thực sự sẽ được xem xét vào năm 2024. Những người theo dõi ECB có kinh nghiệm biết rằng những phát biểu này phản ánh quá trình thảo luận về bước đi tiếp theo đang diễn ra sôi nổi”.

Lãi suất cao hơn tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, khi các khoản thế chấp và lãi suất của các khoản vay khác trở nên đắt đỏ. Hơn nữa, phần chi phí tăng lên của doanh nghiệp (do lãi suất tăng cao) thường sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là cuối cùng người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho các vật dụng hằng ngày.

Điều này góp phần gây ra cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, vốn đang ảnh hưởng đến hầu hết người dân trên khắp châu Âu theo nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, khi lãi suất giảm thì điều ngược lại xảy ra và nền kinh tế sẽ được mở rộng.

Mỗi năm, ECB sẽ họp 8 lần (trung bình 6 tuần một lần), được gọi là các cuộc họp chính sách tiền tệ của Hội đồng Thống đốc. Việc ECB tăng lãi suất có nhiều mục đích khác nhau, nhưng quan trọng nhất là chống lạm phát.

Thế giới đã chứng kiến lạm phát tăng mạnh sau đại dịch COVID-19. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song việc gia tăng nguồn cung tiền được đánh giá là nguyên nhân chính. Ngoài ra, khi các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới gặp khó khăn, xáo trộn và mất kết nối, sự gián đoạn này đã khiến giá hàng hóa tăng cao.

Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (Baltic Dry Index - BDI), theo dõi chi phí vận chuyển đối với hàng khô số lượng lớn, đã chạm mức cao nhất trong 12 năm. Điều này dẫn đến chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Một doanh nghiệp ở châu Âu nhập khẩu sợi từ Bangladesh giờ phải trả gấp đôi chi phí so với mức trước đại dịch.

Chi phí gia tăng này sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, sau đó gây ra lạm phát. Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm ECB, đã chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Câu hỏi đặt ra là liệu đã đến lúc ECB cắt giảm lãi suất?

Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm xuống 2,4% trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. ECB đặt mục tiêu lạm phát 2% và mọi thứ dường như đang đi theo hướng này.

Với tình hình hiện tại, ECB có vẻ sẽ trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên cắt giảm lãi suất. Theo chuyên gia Francois Villeroy de Galhau, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu kỳ vọng rằng chu kỳ tăng lãi suất hiện đã kết thúc vì tiến trình giảm phát đã diễn ra “nhanh hơn dự kiến”.

Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng do các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất với 75% cơ hội so với mức 40% vào tuần trước. Goldman Sachs cũng dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào quý II/2024, thay vì quý III/2024 như dự báo trước đó.

Tuy nhiên, hiện vẫn có ý kiến cho rằng còn quá sớm để “ăn mừng” vì cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics Innes McFee cho rằng ECB là ngân hàng dễ mắc sai lầm về chính sách tiền tệ nhất (do cắt giảm lãi suất quá sớm).

Còn Chủ tịch ECB Chrsitine Lagarde bày tỏ lo ngại khi dự đoán lạm phát sẽ tăng trở lại do các khoản trợ cấp về giá năng lượng bị loại bỏ. Vào đầu tháng trước, bà Lagarde cũng nói rằng phải đến “vài quý tiếp theo” thì ECB mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trong báo cáo mới nhất, ING nhận định: "Mặc dù các chỉ số mềm gần đây đã ổn định ở mức thấp, bối cảnh kinh tế vĩ mô yếu kém không còn là lý do biện minh cho việc tăng lãi suất, ngay cả đối với những người theo quan điểm diều hâu. Nhưng tại cuộc họp vào tuần tới, ECB sẽ không chỉ xem xét đến sự suy yếu của tăng trưởng và việc lạm phát khu vực Eurozone giảm mạnh hơn dự báo”.

Theo ING, ECB sẽ phải xem xét các yếu tố khác như thị trường lao động và mức tăng lương vẫn tương đối vững chắc. ING nhấn mạnh: “Và với lạm phát cơ bản và lạm phát chung vẫn cao hơn mục tiêu, bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc cắt giảm lãi suất sẽ là quá sớm”.

Ngọc Biên