Lý do hệ sinh thái startup công nghệ Đông Nam Á hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế
Trong khi thị trường Mỹ đang trở nên đắt đỏ hơn và việc định giá startup ngày càng ít liên quan đến các nguyên tắc cơ bản, những nhà đầu tư mạo hiểm đang tích cực tìm kiếm các thị trường tăng trưởng mới.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới thị trường Đông Nam Á. Đây là một thị trường tiềm năng đa dạng, tập trung vào các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Các ngành công nghiệp kỹ thuật số và công nghệ của khu vực này đã có một sự bùng nổ trong vài năm qua. Theo Jungle Ventures, các startup công nghệ của Đông Nam Á có tổng định giá 340 tỷ USD vào năm 2020 và họ dự đoán con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025.
Thị trường này khá phức tạp. Nhiều người bị cản trở bởi lo ngại về sự khác biệt trong tâm lý và sự thiếu hiểu biết về cách kinh doanh ở khu vực này. Trước những lo ngại đó, Forbes đã đưa ra ba lý do khiến các nhà đầu tư nên rót vốn vào thị trường startup công nghệ Đông Nam Á.
Dân số tham gia thị trường internet ngày càng tăng
Dân số của các quốc gia Đông Nam Á rơi vào khoảng hơn 655 triệu người, chiếm khoảng 8,5% dân số toàn cầu. Riêng Indonesia có khoảng 273 triệu người, còn Philippines và Việt Nam xếp sau với lần lượt khoảng 109 triệu và 97 triệu người. Những con số này đang tăng lên với tốc độ tương đối nhanh, vượt xa cả Mỹ và châu Âu.
Mỗi quốc gia ở một trình độ phát triển khác nhau, song điểm chung của họ là có nhiều cơ hội để thiết lập các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Tầng lớp trung lưu nổi lên nhanh chóng được phản ánh trong chất lượng tiêu dùng.
Theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co., hơn 40 triệu người dùng mới ở khu vực Đông Nam Á đã tham gia internet vào năm 2020. 94% trong số này cho biết họ có kế hoạch tiếp tục sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số một cách tích cực.
Chỉ một thập kỷ trước, internet chưa thực sự phổ biến ở Đông Nam Á. Giờ đây, 90% người dùng internet trong khu vực đã có thể kết nối internet qua smartphone. Đây là thị trường ưu tiên thiết bị di động đã bỏ qua nhiều làn sóng công nghệ và hiện đang sử dụng phần mềm nguồn mở và các ngăn xếp phát triển ứng dụng cũng như phần mềm nguồn mở mới nhất. Do đó, các chuyển đổi kỹ thuật số trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh đang diễn ra ở khu vực này.
Nền kinh tế phát triển nhanh chóng
Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để tham gia và bắt đầu làn sóng tăng trưởng hiện tại. Nhiều thị trường Đông Nam Á vẫn đang phát triển. Theo Forbes, đây là thị trường thú vị thứ hai sau Mỹ với tổng GDP khổng lồ.
GDP của 5 thành viên lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến tăng 5,1% vào năm 2022. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Philippines gần đây đã được điều chỉnh từ 6,6% thành 7,1 %, trong khi của Thái Lan được điều chỉnh từ 3,4% lên 3,7%.
Các quốc gia này đã có một bước nhảy vọt về mức độ phát triển kinh tế trong hơn 30 năm qua, vượt xa các quốc gia phát triển hàng đầu về tốc độ tăng trưởng GDP thực tế. Ví dụ ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là gần 918 USD vào năm 1990, 1.987 USD vào năm 2000 và 8.651 USD vào năm 2020.
Hệ sinh thái startup phát triển
Nền tảng vững chắc cho sự đổi mới đang tạo ra một sự thúc đẩy rất lớn cho các startup. Một yếu tố khác góp phần vào việc này là các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích sự phát triển của các startup công nghệ mới. Chẳng hạn, Thái Lan cung cấp cho các công ty công nghệ một chương trình hỗ trợ, bao gồm miễn thị thực và thuế, theo chương trình Thái Lan 4.0.
Không có gì ngạc nhiên khi những gã khổng lồ công nghệ quốc tế đang chọn đặt văn phòng và trung tâm khu vực ở Đông Nam Á. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ về các trường hợp đã thành công.
Một là Grab, “kẻ đánh bại Uber” ở Đông Nam Á. Ra mắt vào năm 2012, siêu ứng dụng này đã cung cấp các dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, đặt phòng khách sạn và các dịch vụ tài chính. Vào năm 2018, Grab đã đẩy Uber ra khỏi Đông Nam Á. Giờ đây, siêu ứng dụng này là kỳ lân công nghệ Đông Nam Á có giá trị lớn nhất, vào năm 2021 đã được niêm yết tại New York sau vụ sáp nhập bom tấn trị giá 39,6 tỷ USD.
Một công ty lớn khác là Gojek, một tập đoàn công nghệ thanh toán kỹ thuật số và nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu của Indonesia. Ra mắt vào năm 2010, Gojek sau đó đã cung cấp 4 dịch vụ: GoRide, GoSend, GoShop và GoFood vào năm 2015.
Ngày 17/5/2021, Gojek hợp nhất với Tokopedia (một công ty thương mại điện tử) và tạo ra GoTo. Tháng 3, Tập đoàn GoTo đã huy động được 1,1 tỷ USD từ một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới trong năm nay.
Và cuối cùng phải kể đến Shopee, một công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Singapore. Nền tảng này bắt đầu như một thị trường từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng. Tính đến năm 2019, nền tảng này đã có 200 triệu lượt tải xuống. Tính đến năm 2021, Shopee được coi là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á, với 343 triệu người truy cập hàng tháng.
Ngoài những lĩnh vực này, có rất nhiều công ty khởi nghiệp khác đang nổi lên trong khu vực, thu hút đầu tư và đạt được thành công. Cento Ventures báo cáo rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thực hiện 393 khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2021, nhiều hơn 18 thương vụ so với kỷ lục trước đó trong khu vực. Theo dự đoán của Golden Gate Ventures, vốn tài trợ cho các startup trong khu vực sẽ vượt quá 14 tỷ USD vào năm 2023.