|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup kỳ lân đã hết thời hoàng kim: Quay về giá trị thật, thắt chặt chi tiêu và ưu tiên cho tồn tại

14:06 | 04/10/2022
Chia sẻ
Mô hình kinh doanh của các công ty kỳ lân là ưu tiên tăng trưởng dựa trên nguồn vốn dồi dào. Tuy nhiên, mô hình này đã tới điểm chạm (turning point) khi một số công ty kỳ lân lớn đang gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thuật ngữ "kỳ lân" lần đầu tiên được sử dụng trong một bài báo năm 2013 của nhà đầu tư thiên thần Aileen Lee, đề cập đến các công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD. Ông Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank Group, trong một báo cáo tài chính hồi tháng 8 đã dự báo về một mùa đông trường kỳ đối với các kỳ lân.

Trái ngược với các cổ phiếu niêm yết, biến động lên xuống thất thường trong quá trình đánh giá lại hàng ngày thì các công ty chưa niêm yết được đánh giá lại vào những thời khắc khó khăn, ví dụ như khi họ huy động vốn.

 Không chỉ kỳ lân, các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn cũng đang bước vào giai đoạn thử lửa khả năng tồn tại của họ. (Ảnh: Nikkei Asia).

Ông Son đưa ra nhận định với dự đoán rằng giá cổ phiếu của các công ty công nghệ đã giảm mạnh kể từ mùa xuân năm nay sẽ tạo ra ảnh hưởng dần dần đến các cổ phiếu chưa niêm yết. Trên thực tế, giá trị thẩm định của các công ty mà SoftBank Group đầu tư đang bắt đầu giảm.

Công ty khởi nghiệp "mua trước, trả sau" của Thụy Điển là Klarna đã huy động vốn vào tháng 7 với giá trị thấp hơn 85% so với năm 2021. Chủ sở hữu của TikTok, ByteDance - kỳ lân lớn nhất thế giới sẽ thực hiện mua lại cổ phần, ước tính giá trị công ty ở mức 300 tỷ USD hoặc hơn. Reuters cho biết giá trị của ByteDance đã giảm tới 25% so với giá trị được đánh giá trên thị trường chứng khoán chưa niêm yết năm ngoái. 

Bắt đầu từ năm 2018, các nhà đầu tư phi truyền thống như SoftBank Group và Tiger Global Management bắt đầu tăng các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, khi lãi suất ở mức thấp trong lịch sử.

Đáng chú ý, họ còn chi một số tiền khổng lồ để nâng cao giá trị của các công ty trước khi thu hồi vốn đầu tư vào những startup này. Nhưng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine cộng thêm các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, chiến lược của các nhà đầu tư phi truyền thống đã thay đổi, theo Nikkei Asia.

Giá trị trung bình của các công ty khởi nghiệp đã huy động vốn trong vòng series E trở lên (ít nhất vòng thứ 5) là 2 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, có mức giảm nhẹ so với 2,1 tỷ USD vào năm 2021. Đồng thời, số lượng các kỳ lân mới cũng giảm dần.

CEO Klarna, Sebastian Siemiatkowski cho biết: "Chúng tôi đã có một vài năm để tăng trưởng thực sự và được các nhà đầu tư ưu tiên. Giờ đây, việc họ muốn thấy lợi nhuận là điều dễ hiểu", CEO Klarna nói. Công ty đã chuyển hướng kinh doanh sang mục tiêu có lãi, cắt giảm 700 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động. Ngoài ra, họ cũng siết chặt chi tiêu và có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề quản lý tín dụng. 

Tuy vậy, số lượng các công ty khởi nghiệp buộc phải hạ giá trị doanh nghiệp vẫn còn tương đối nhỏ. Tại Mỹ, nhóm này chỉ chiếm ít hơn 10% trong số những startup đã huy động vốn trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook.

Osuke Honda, quản lý đối tác tại quỹ DCM Ventures trấn an nhà đầu tư rằng việc gọi vốn của các công ty khởi nghiệp đang tiến tới mục tiêu bình thường hóa, khi họ đã huy động số tiền vượt quá năng lực của mình trong nhiều năm qua.

Việc đánh giá một công ty khởi nghiệp giảm giá trị không chỉ làm giảm giá trị cổ phần của những người sáng lập mà còn cả tinh thần của nhân viên - những người thường nhận cổ phần như một khoản đền bù. 

Miguel Fernandez, Giám đốc điều hành của Capchase, một công ty đầu tư đến từ Mỹ đã nói rằng các công ty khởi nghiệp sẽ khó duy trì mức giá trị cao nếu điều kiện thị trường khó khăn như hiện tại không có dấu hiệu chấm dứt. Các công ty khởi nghiệp chắc chắn đã bước vào giai đoạn cần tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng dài hạn và lợi nhuận ngắn hạn.  

Song, cần nhìn vào mặt tích cực rằng không chỉ có những ông lớn mới có thể sống sót qua thời kỳ biến động. Facebook được sinh ra sau khi bong bóng dot-com vỡ vào đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã chứng kiện sự ra đời của một startup khác là Airbnb.

Thùy Trang