|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam lọt top 10 thị trường edtech tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Có phải 'mỏ vàng' mới cho các startup?

07:29 | 06/10/2022
Chia sẻ
Trong hai năm đại dịch COVID-19, nhu cầu dạy và học trực tuyến đã tăng cao.

Việt Nam là một trong những thị trường startup mới nổi tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong suốt những năm qua. Tính riêng trong năm 2021, tổng vốn đầu tư cho startup Việt đã đạt mức 1,5 tỷ USD, theo báo cáo Đổi mới đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2021.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như thanh toán, thương mại điện tử, nhân sự, bất động sản và cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính,…

Một trong số các lĩnh vực cũng chứng kiến sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2020 – 2021 là giáo dục với mức tăng 562%. Chính nhờ sự tăng trưởng chung này đã giúp một thị trường ngách là edtech (công nghệ giáo dục) hưởng lợi, qua đó thu hút thêm nguồn vốn đầu tư

Các startup edtech Việt liên tục gọi vốn

Chỉ trong vài ngày qua, đã có tới hai startup Việt hoạt động trong lĩnh vực edtech gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư.

Cụ thể, Edupia, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực edtech có trụ sở tại Việt Nam, đã huy động thành công 14 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Jungle Ventures dẫn đầu. Quỹ đầu tư EWTP Capital do gã khổng lồ Alibaba “chống lưng” và quỹ đầu tư ThinkZone Ventures của Việt Nam cũng tham gia vòng gọi vốn này của Edupia, theo Tech in Asia.

Với nguồn vốn huy động thành công từ vòng gọi vốn mới nhất, Edupia đã huy động được tổng cộng 16 triệu USD vốn đầu tư tính đến thời điểm hiện tại. Edupia đang tìm cách tập trung vào các sản phẩm dành cho học sinh từ mẫu giáo cho tới lớp 12 và đã mở rộng sang các môn học bổ sung như toán học và code. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng sang thị trường Thái Lan và Indonesia, cũng như giới thiệu các tính năng và giải pháp công nghệ mới.

Đội ngũ lãnh đạo startup Vuihoc, từ trái qua, Giám đốc Travis Richard Stewart, COO Thu Đỗ và CEO Lâm Đỗ. (Ảnh: Vuihoc). 

Kế đó, Vuihoc, một startup edtech khác có trụ sở tại Việt Nam, đã huy động được 2 triệu USD trong khoản tài trợ bắc cầu được dẫn đầu bởi quỹ đầu tư Bace Capital do gã khổng lồ fintech Ant Group hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, vòng gọi vốn này của Vuihoc còn có sự tham gia của một số quỹ đầu tư khác như Vulpes Ventures, DT & Investment, Colopl Next và Nextrans, theo Tech in Asia. Startup Việt này cũng đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành vòng gọi vốn Series A vào cuối năm nay.

Chia sẻ lý do đầu tư vào công ty, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết, đội ngũ Vuihoc làm được một việc không hề dễ dàng là phát triển thành công sản phẩm giáo dục online có nội dung phù hợp và hấp dẫn với lứa tuổi tiểu học.

Bên cạnh những startup edtech đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư, một số đơn vị khác cũng tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục của mình.

Chẳng hạn, founder Đào Phan và startup edtech iZi đã lên sóng kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 4% cổ phần. Startup này có tham vọng tạo ra một ngôi trường mở mà không sở hữu bất kỳ ngôi trường nào, nơi mọi người đều có thể dạy và học những điều họ mong muốn. Tuy nhiên, qua quá trình thương thảo, startup này đã từ chối lời đề nghị của Shark Hưng vì không muốn giảm mức định giá và ra về tay trắng.

Bà Đào Phan, founder của startup iZi. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Thị trường edtech toàn cầu tăng trưởng với tốc độ "chóng mặt"

Theo thống kê từGrand View Research, dòng vốn đầu tư tư nhân trên toàn cầu đổ vào lĩnh vực edtech trong những năm gần đây đã tăng với tỷ lệ trung bình khá cao, khoảng 32%/năm. Tính riêng trong năm 2020, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực edtech ước đạt giá trị 36,38 tỷ USD với 1.251 giao dịch.

Trong đó, có khoảng 16,1 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư mạo hiểm (chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ), tăng 2,3 lần so với năm 2019. Vào năm 2021, quy mô của thị trường edtech toàn cầu ước đạt giá trị 106,46 tỷ USD và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,5% trong giai đoạn 2022 – 2030.

Riêng thị trường edtech châu Á - Thái Bình Dương được Grand View Research đánh giá có tốc độ CAGR đạt tỷ lệ lên tới 19% trong giai đoạn 2022 - 2030. (Nguồn: Grand View Research).

Theo đánh giá của các chuyên gia, các nền tảng edtech hỗ trợ sinh viên vượt qua rào cản để nhận được một nền giáo dục toàn diện bằng cách sử dụng công nghệ để học tập và giảng dạy. Ngoài ra, người học đang dần chấp nhận các hình thức học trực tuyến kể từ sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19, qua đó khiến các phương pháp học trực tuyến dễ được tiếp cận hơn.

Điều này tạo điều kiện cho nhiều startup edtech thành công trong suốt những năm qua, có thể kể tới như MasterClass (Mỹ), Classplus (Ấn Độ), ApplyBoard (Canada), Udacity (Mỹ), BYJU’s (Ấn Độ),… theo Failory.

Những con số này và sự thành công của các startup edtech trên toàn cầu trong những năm gần đây là minh chứng cho sự phát triển của thị trường edtech cũng như những cơ hội tiềm năng trên thị trường này.

Edtech, mảnh đất màu mỡ cho các startup Việt

Tại Việt Nam, thị trường edtech bắt đầu khởi động từ khoảng năm 2007, theo tạp chí Con số & Sự kiện. Tuy nhiên, phải tới những năm 2019, đặc biệt là hai năm 2020 và 2021, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành trên toàn cầu, thị trường edtech Việt Nam mới thực sự chứng kiến những sự bứt phá.

Đi kèm với nhu cầu dạy và học trực tuyến của nhiều người, số lượng startup edtech ra đời cũng ngày một tăng. Trên thị trường đã có khoảng 100 công ty khởi nghiệp tận dụng cơ hội để tạo sức hút trong thời gian qua.

Người Việt chi tới 30% thu nhập khả dụng cho giáo dục. (Ảnh: Tạp chí Con số & Sự kiện).

Thị trường edtech Việt ước tính sẽ đạt mức 3 tỷ USD vào năm 2023 và nằm trong top 10 thị trường edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỷ lệ khoảng 44,3%. Tính đến tháng 7, tổng vốn đầu tư vào các startup edtech đạt giá trị 20,2 triệu USD.

Tiềm năng khởi nghiệp, hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô và mức định giá hấp dẫn đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư có khẩu vị startup edtech.

Theo tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người Việt chi tới 30% thu nhập khả dụng cho giáo dục. Ngày nay, các bậc cha mẹ thậm chí sẵn sàng trả thêm tiền để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất cho con cái. Những yếu tố này, kết hợp với vị thế của Việt Nam trên hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực có thể sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy thị trường startup edtech trong những năm tới.

Anh Nguyễn