Lượng tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc bùng nổ ra sao trong 40 năm qua?
"Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong thị trường hàng hóa toàn cầu là không ai có thể sánh bằng", Wood Mackenzie, công ty tư vấn về hàng hóa, cho biết trong một báo cáo năm 2019.
Kể từ những cuộc cải cách kinh tế năm 1978, nhu cầu mua hàng hóa của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh, cùng nhịp với sự trỗi dậy thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Nhu cầu nguyên vật liệu thô như đồng và thép, phần lớn là do sự bùng nổ của hoạt động sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, cũng như nhu cầu của 1,4 tỉ dân.
(Nguồn: CNBC)
Trong lúc Bắc Kinh chuẩn bị tổ chức kỉ niệm 70 năm thành lập vào ngày 1/10/2019, các chuyên gia lại bày tỏ lo ngại cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể tác động đến giá hàng hóa giữa lúc kinh tế toàn cầu trong xu hướng giảm tốc.
Các chuyên viên phân tích cho biết, mặc dù căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục tác động đến thị trường, nhưng trong bức tranh trung hạn của nhiều loại hàng hóa, Trung Quốc vẫn là nước có nhu cầu mua khá lớn, ngay cả khi tăng trưởng suy giảm. Xu hướng chuyển sang năng lượng sạch cũng sẽ góp phần định hình lĩnh vực này.
Dưới đây là 4 biểu đồ thể hiện nhu cầu mua hàng hóa của Trung Quốc đã thay đổi ra sao trong 40 năm qua.
Đậu nành
Minh Tuấn việt hóa.
Đậu nành nằm trong số những hàng hóa nhạy cảm nhất về phương diện chính trị. Hiện Trung Quốc đang là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và chiếm tới 60% lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ.
Lượng tiêu thụ đậu nành của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 12 lần trong khoảng 40 năm qua. Xét trên nhu cầu thế giới, Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng lượng tiêu thụ đầu nành toàn cầu. Đậu nành thường được sử dụng để chế biến dầu ăn và làm thức ăn chăn nuôi.
Đồng
Minh Tuấn việt hóa.
Khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc bùng nổ, nhu cầu sử dụng đồng cũng theo đó mà tăng mạnh.
Kim loại này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực kĩ thuật và xây dựng và thường được xem chỉ báo đáng tin cậy về tình hình kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc hiện chiếm 50% nhu cầu đồng trên thế giới, tăng mạnh từ mức dưới 10% trong thập niên 80.
Thép
Minh Tuấn việt hóa.
Nhu cầu thép của Trung Quốc đã tăng vọt trong 40 năm qua trong bối cảnh công nghiệp hóa nhanh chóng. Kim loại đa năng này được sử dụng cho một loạt lĩnh vực bao gồm xây dựng, đóng tàu và sản xuất xe hơi.
Dầu
Minh Tuấn việt hóa.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể không đáng kể bằng nhu cầu về thép và đồng, nhưng "gã khổng lồ" của châu Á vẫn là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 14% lượng tiêu thụ toàn cầu năm 2018.
Tham vọng ấn định giá
Bất chấp việc là quốc gia mua nhiều nhất thế giới về một số loại hàng hóa, các thương nhân Trung Quốc thường xuyên phàn nàn rằng họ không có khả năng ấn định giá.
Trong những năm qua, các sàn giao dịch hàng hóa và công ty môi giới Trung Quốc đã thiết lập hoạt động giao dịch với nước ngoài để phục vụ khách hàng bên ngoài Trung Quốc.
Sàn Giao dịch châu Á - Thái Bình Dương là sàn giao dịch nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Khởi động tại Singapore trong năm 2018, sàn giao dịch này cung cấp hợp đồng tương lai hàng hóa mới về dầu nhiên liệu và dầu cọ, có thể được giao dịch bằng hàng hóa thực.
Trong năm 2018, CEO Eugene Zhu nói với CNBC rằng sàn giao dịch này nhằm mục tiêu cung cấp khả năng xác định giá tốt hơn để người Trung Quốc có thể trở thành người ấn định giá thay vì chấp nhận giá từ những người khác.
Ngày càng nhiều sàn giao dịch lâu đời, như Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải và Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, cũng thiết lập hoạt động ở nước ngoài, quảng bá về hợp đồng tương lai dầu thô và các sản phẩm hàng hóa khác.
Các công ty môi giới Trung Quốc, như Haitong International Securities và Yongan, cũng phải cạnh tranh với các công ty khác trên toàn cầu.
Đảm bảo nguồn cung trong tương lai
Để đảm bảo về nguồn cung hàng hóa trong tương lai, cách trực tiếp nhất là thông qua mua các tài sản như đồn điền hoặc mỏ.
Thế nhưng, một số quốc gia lại giới hạn việc công ty nước ngoài thâu tóm đất đai. Kết quả là một số thương vụ mua được thực hiện thông qua công ty liên doanh hoặc đối tác với các công ty nội địa.
Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường trải dài qua nhiều quốc gia giàu tài nguyên ở châu Âu và châu Á, cũng sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và với các quốc gia dọc tuyến đường như Ukraine.
"Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa nguồn cung ứng nông sản trong vài năm gần đây, chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục được đẩy nhanh trong bối cảnh khối lượng hàng nhập khẩu ngày càng tăng", Fitch Solutions nhận định trong một báo cáo về cải cách nông nghiệp ở Trung Quốc.