Sự thay đổi về thương mại Mỹ - Trung qua 4 biểu đồ
Kết quả một cuộc khảo sát từ Reuters cho thấy khoảng 80% trong tổng số hơn 60 chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc thăm dò dự đoán chiến tranh thương mại hoặc sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc trong tình trạng như cũ vào cuối năm 2020.
Hai nền kinh tế chia sẻ 660 tỉ USD giá trị thương mại trong năm 2018, theo Cục Thống kê Mỹ.
Dưới đây là 4 biểu đồ CNBC liệt kê nhằm mô tả những thay đổi lớn trong thương mại giữa hai nước.
Thuế quan gia tăng
Phát súng đầu tiên bắt nguồn từ phía Mỹ vào đầu năm 2018, nhưng cuộc chiến thương mai giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thực sự bùng nổ vào tháng 7/2018.
Tại thời điểm đó, Mỹ áp thuế 25% đối với 34 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh áp thuế cao hơn lên 34 tỉ USD giá trị sản phẩm Mỹ. Thuế quan tiếp tục leo thang kể từ đó.
Thương mại Mỹ - Trung chậm lại
Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong năm 2018, nhưng Mexico và Canada đã vượt qua Trung Quốc để trở thành hai đối tác hàng đầu của Mỹ trong năm nay.
Theo nhà kinh tế trưởng của CLSA Eric Fishwick, Trung Quốc đã thành công hơn rất nhiều so với Mỹ trong việc giảm nhập khẩu hàng hóa từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Mặc dù vậy, thương mại hai chiều đã chậm lại nhanh hơn, ví dụ như, thương mại của Trung Quốc với châu Âu. Vì vậy, cuộc chiến thương mại chắc chắn có ảnh hưởng", ông Fishwick nói.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc
Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, bằng chứng đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng để đánh thuế.
Phần lớn nhập khẩu ròng của Mỹ, các sản phẩm Mỹ mua từ Trung Quốc nhiều hơn là bán sang quốc gia châu Á, là thành phẩm giá trị cao, ông Don Steinbrugge, nhà sáng lập của công ty tư vấn quĩ phòng hộ Agecroft Partners, cho biết.
Xuất khẩu ròng của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa giá trị thấp, như hoa màu, khí đốt, dầu và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc
Đậu nành là một trong những sản phẩm chính Mỹ bán sang Trung Quốc. Và hiện tại, loại hạt chứa dầu này đang chịu thiệt hại lớn.
Nông dân là những người ủng hộ lớn nhất của ông Trump. Trung Quốc, người mua một số nông sản lớn nhất thế giới, trong đó có đậu nành, đã giảm thu mua sản phẩm nông nghiệp nhằm trừng phạt nông dân Mỹ và tạo áp lực lên Tổng thống Trump.
Giữa năm ngoái, Trung Quốc gần như dừng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ vì nhu cầu giảm dưới khi dịch tả heo châu Phi quét qua đàn heo lớn nhất thế giới.
Đậu nành được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc.