Lượng nhập khẩu dầu thô về Việt Nam gấp hơn 3 lần chiều xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, nhập khẩu dầu thô đạt 977 nghìn tấn, tương đương 695 triệu USD, tăng 3,6 lần về lượng và tăng 4 lần về giá trị so với tháng 2. Như vậy, nhập khẩu dầu thô tháng 3 tăng mạnh sau khi lao dốc vào tháng 1, tháng 2.
Lũy kế quý I, nhập khẩu dầu thô đạt 1,9 triệu tấn, tương đương 1,2 tỷ USD, không biến động nhiều về lượng nhưng tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, trong quý I, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt 590 nghìn tấn, tương đương 458 triệu USD, giảm 28% về lượng nhưng tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá dầu thô nhập khẩu trong tháng 3 đạt 711 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay. Tính chung quý I, giá dầu thô nhập khẩu trung bình đạt 683 USD/tấn, tăng gấp 1,3 lần giá dầu thô năm 2021 và gấp 2,1 lần giá dầu thô năm 2020.
Ngược lại, giá dầu thô xuất khẩu trong tháng 3 đạt 849 USD/tấn, cao gấp 1,7 lần so với tháng 1/2021. Tính chung quý I, giá dầu thô xuất khẩu trung bình đạt 757 USD/tấn, tăng gấp 1,3 lần giá xuất khẩu dầu thô năm 2021.
Như vậy, trong quý I, lượng nhập khẩu dầu thô của Việt Nam gấp gần 3,2 lần so với lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, giá xuất khẩu dầu thô có phần nhỉnh hơn giá nhập khẩu.
Chia sẻ với báo VietNamNet, một chuyên gia dầu khí cho biết điều này liên quan đến chủng loại dầu thô.
Dầu thô trên thế giới có nhiều loại khác nhau và có sự khác biệt về tính chất. Có loại dầu sản xuất ra nhiều xăng, có loại dầu thô lại sản xuất ra nhiều D0, có loại có thể sản xuất được dầu nhờn nhưng có loại không thể sản xuất được dầu nhờn.
Có loại sản xuất được nhựa đường nhưng có loại không thể sản xuất được nhựa đường. Ngoài ra, có loại dầu thô chứa nhiều tạp chất, có loại dầu thô ít tạp chất.
Nhà máy lọc dầu thông thường được thiết kế chỉ để chế biến một số loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng được và không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng có hiệu quả tối ưu.
Chính vì thế, có loại dầu thô Việt Nam sản xuất ra không phù hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất nên buộc phải xuất khẩu đi thu tiền về, và mua loại dầu thô phù hợp về để chế biến. Tất nhiên, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất thiết kế ban đầu là để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít và một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho lọc dầu Dung Quất. Cho nên Việt Nam phải bán các loại dầu đó đi để nhập về những loại dầu thô phù hợp với thiết kế của nhà máy này.
Thiết bị quan trọng của nhà máy lọc dầu là tháp chưng cất. Tháp chưng cất này được thiết kế theo đúng tính chất của nguyên liệu. Nếu đưa nguyên liệu (dầu thô) khác vào thì tháp chưng cất đó không hoạt động được hoặc hoạt động với hiệu suất thấp.
Nếu muốn chế biến được các loại dầu thô khác, nhà máy lọc dầu sẽ phải đầu tư thêm công nghệ, các phân xưởng để phù hợp.
Ngoài ra, một lý do nữa là các lô dầu thô Việt Nam khai thác, Nhà máy lọc dầu Dung Quất để mua được cũng phải tham gia đấu thầu.
Bởi lẽ nhiều mỏ dầu PVN khai thác lại là có sự tham gia của đối tác nước ngoài, trong khi đó lọc dầu Dung Quất cũng là công ty cổ phần, không phải công ty 100% vốn Nhà nước nên phải đấu thầu.
Vì thế nếu lọc dầu Dung Quất trả giá thấp hơn các đơn vị khác tham gia đấu thầu thì sẽ không mua được nên phải nhập khẩu từ nguồn khác bù vào. Đặc biệt, có nhiều thời điểm mua từ nguồn khác rẻ hơn là đấu thầu ở các mỏ trong nước.
Như vậy, việc Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu dầu thô thuần túy là yếu tố kỹ thuật và kinh tế, để việc vận hành các nhà máy lọc dầu được thông suốt và hiệu quả.