Lượng cá tra tồn kho của Mỹ đã cạn, cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 1 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng mạnh tới 92,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 52,6 triệu USD. Với kết quả này, Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1 trong top các thị trường xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp Việt Nam.
VASEP cho rằng hậu COVID-19, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhanh chóng hồi sinh trở lại tất cả các kênh tiêu thụ, nhà hàng, khách sạn, trường học.... chuỗi logistics thông suốt, lượng hàng tồn kho đã được giải phóng.
Điều này thúc đẩy các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm cơ hội gia tăng XK sang Mỹ hơn nữa trong năm 2022. Tình hình có vẻ khả quan trong năm nay do nhu cầu nhập khẩu của thị trường này vẫn còn giữ được nhịp độ.
Tuy nhiên, cước phí vận chuyển tàu biển vẫn là thách thức của cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu cá tra Việt Nam nếu tình hình tắc nghẽn cảng không được cải thiện.
Bên cạnh đó, hiện các nhà máy xuất khẩu cá tra đi Mỹ không đủ nguyên liệu cho chế biến, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao. Mới đây, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu đi Mỹ tăng lên 30.000 đồng/kg, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo.
Trước đó, năm 2021 xuất khẩu cá tra sang Mỹ có một năm thuận lợi và tăng trưởng tích cực với kim ngạch đạt 370 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Niềm vui nhân đôi khi tháng 6/2021 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019.
Theo đó, hai doanh nghiệp cá tra là Vĩnh Hoàn và Nam Việt đã được hưởng mức thuế suất là 0%. Động thái tích cực này đã thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng tốt.
Năm 2021, có hơn 10 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó Vĩnh Hoàn Corp, Biển Đông Seafood nằm trong top đầu.