Luật sư của FTX khẳng định đã thu hồi được 5 tỷ USD tài sản để trả cho các chủ nợ
Theo CNN, các quan chức FTX giám sát việc phá sản của công ty đã thu hồi hơn 5 tỷ USD tiền mặt và các tài sản lưu động khác có thể được sử dụng để giúp trả nợ cho các chủ nợ, một luật sư của công ty tiền điện tử này cho biết trong phiên tòa phá sản hôm 11/1. Tiết lộ đó làm tăng đáng kể số tiền ước tính mà FTX tuyên bố sẽ nắm giữ trước đó.
Vào tháng 12/2022, các luật sư của FTX đã nộp hồ sơ cho thấy công ty và các chi nhánh của nó chỉ có tổng cộng 1,2 tỷ USD tiền mặt. Các luật sư cũng cho biết họ đã xác định được hơn 9 triệu chủ nợ - nhiều hơn nhiều so với ước tính trước đó là khoảng 1 triệu người.
Cơ hội nhận lại tiền của các chủ nợ FTX
Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu các chủ nợ của FTX sẽ lấy lại được bao nhiêu tiền đã bị đóng băng sau khi giao dịch bị tạm dừng khi FTX bắt đầu thủ tục phá sản vào tháng 11.
Công ty đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/11 giữa cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Kể từ đó, người đồng sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried đã bị buộc tội dàn dựng sự việc mà các công tố viên gọi là một trong những “vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.
Tuần trước, SBF đã không nhận tội đối với 8 tội danh hình sự bao gồm lừa đảo và âm mưu lừa đảo tại tòa án liên bang ở New York. Các công tố viên cho biết Bankman-Fried đã lừa dối khách hàng và nhà đầu tư vào FTX, đánh cắp số tiền gửi trị giá hàng tỷ USD để bù lỗ cho quỹ phòng hộ của mình - Alameda Research, trong khi nói dối các nhà đầu tư về hoạt động của FTX.
Vụ phá sản của FTX dự kiến sẽ quét sạch các nhà đầu tư vốn cổ phần của nó, hàng chục người trong số họ đã được xác định trong hồ sơ tòa án tuần này. Họ bao gồm những người nổi tiếng như ngôi sao NFL Tom Brady và siêu mẫu Gisele Bundchen.
Riêng trong ngày diễn ra phiên tòa sơ tẩm hôm 11/1, tờ New York Times đã yêu cầu thẩm phán giám sát vụ án hình sự chống lại Bankman-Fried hủy niêm phong hồ sơ tòa án xác định rõ 2 người đã đồng ý ký vào trái phiếu bảo lãnh trị giá 250 triệu USD của cựu CEO FTX.
Có 4 người đồng ký tên vào trái phiếu bảo lãnh, bao gồm cả cha mẹ của Bankman-Fried, những người đã sử dụng ngôi nhà của họ để bảo đảm việc trả tự do cho con trai. Theo các điều khoản bảo lãnh của SBF, cả Bankman-Fried và những người đồng ký tên sẽ không phải trả bất kỳ khoản tiền bảo lãnh nào trừ khi Bankman-Fried không ra hầu tòa hoặc vi phạm các điều kiện khác do thẩm phán đặt ra.
Hiện tại, Bankman-Fried đã giao nộp hộ chiếu và phải bị quản thúc tại nhà của cha mẹ. Về phần mình, các luật sư của SBF đã yêu cầu thẩm phán sửa lại tên và địa chỉ của hai người đồng ký tên không xác định vì lo ngại cho quyền riêng tư và sự an toàn của họ.
Thẩm phán Lewis Kaplan ban đầu đồng ý xóa tên nhưng cho biết ông sẽ cho bất kỳ bên nào quan tâm yêu cầu mở niêm phong. Inner City Press, một hãng tin tức địa phương cũng yêu cầu thẩm phán công khai tên tuổi. Việc SBF được tại ngoại mà không phải trả trước bất kỳ khoản tiền bảo lãnh nào đã gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội Twitter với nhiều quan điểm trái chiều.