|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cựu giám đốc tài chính Binance cảnh báo về một ‘mùa đông tiền số’ kéo dài sau khi FTX sụp đổ

07:36 | 26/12/2022
Chia sẻ
Trong một bài phỏng vấn với SCMP, ông Zhou Wei cho rằng thị trường tiền mã hoá sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn sau scandal của FTX.

Ông Zhou Wei, cựu giám đốc tài chính của Binance. (Ảnh: SCMP).

Zhou Wei, cựu giám đốc tài chính của Binance, nói rằng thị trường tiền mã hoá vẫn sẽ u ám trong một thời gian dài tới đồng thời phải đối mặt với nhiều biện pháp điều hành mang tính hạn chế hơn, sau vụ việc FTX sụp đổ.

“Về cơ bản chúng ta đều sẽ phải chuẩn bị cho một mùa đông khá dài trong thế giới tiền số”, ông Zhou nói với SCMP.

“Nó sẽ nhấn tất cả mọi người chìm sâu hơn vào thị trường gấu”, ông Zhou nhận định. Ông Zhou rời Binance vào năm ngoái và hiện đang là CEO của Coins.ph, một ví di động tiền số và tiền pháp định ở Philippines.

Cú sốc mới nhất của thị trường tiền mã hoá nổ ra hồi đầu tháng 11 khi ông Zhao Changpeng, CEO Binance, tuyên bố sẽ bán gần 530 triệu USD giá trị đồng FTT của sàn giao dịch FTX. Động thái này kích hoạt một cơn lũ đề nghị rút tiền từ các nhà đầu tư vào FTX mà sàn giao dịch này không thể đáp ứng được. Tình trạng mất thanh khoản đã khiến FTX phá sản.

Trước vụ việc, FTX từng là đối thủ lớn nhất của Binance ở mảng kinh doanh sàn giao dịch mã hoá.

Kể tử thời điểm đó, giá bitcoin, đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới, giảm gần 20%, trong khi đó giá đồng ethereum, một đồng tiền mã hoá phổ biến khác, giảm 23%.

Lúc này, Binance đang nỗ lực để trấn an các khách hàng của mình, những người đã rút nhiều tỷ USD khỏi sàn giao dịch này hồi tuần trước.

Mặc dù Binance khẳng định các đề nghị rút tiền trị giá 1,14 tỷ USD trong vòng 12 giờ đã được Binance “xử lý một cách dễ dàng”, sự lo lắng dấy lên sau khi Mazars Group, một công ty kiểm toán mà Binance đã thuê để thực hiện các báo cáo nhằm chứng minh sàn giao dịch này có đủ lượng tiền dự trữ để đáp ứng mọi đợt đề nghị rút tiền tăng mạnh đến từ khách hàng, tuyên bố sẽ dừng các công việc của mình liên quan đến các công ty tiền số.

Mặc dù ông Zhou từ chối chia sẻ về tình hình sức khoẻ tài chính của Binance, ông nói rằng FTX đã vận hành “một mô hình kinh doanh lừa đảo”. Theo ông, vấn đề của FTX “không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là vấn đề tội phạm, pháp lý”.

 Zhao Changpeng, người sáng lập và CEO Binance, tại một hội thảo công nghệ ở Paris hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters).

Theo Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, và các cộng sự đã cố tình chuyển tiền của khách hàng FTX vào sàn giao dịch phái sinh chị em Alameda Research.

Nếu như Mỹ đang tăng tốc để thắt chặt việc quản lý ngành công nghiệp tiền mã hoá, Trung Quốc từ lâu đã ban bố lệnh cấm đối với lĩnh vực này. Vụ việc của FTX khiến truyền thông Trung Quốc có thêm cơ hội để ủng hộ quyết định cứng rắn của chính phủ. “May mắn là các nhà điều hành Trung Quốc đã hành động quyết liệt đối với tiền mã hoá nhằm chặn tiền đổ vào lĩnh vực này và tránh mất mát với nhiều người”, một bài viết trên tờ Securities Times hôm 17/11 trích đăng.

Theo ông Zhou, lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc “thực tế là rất ổn” vì nó mang đến sự rõ ràng và chắc chắn.

Dù vậy, bất chấp lệnh cấm, cộng đồng giao dịch tiền mã hoá ngầm vẫn hoạt động ở Trung Quốc, theo SCMP. Trung Quốc đại lục chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số lượng khách hàng của FTX (con số này của Mỹ là 2%), theo một hồ sơ trong vụ phá sản của FTX.

Những khách hàng Trung Quốc này sẽ khó có thể lấy lại được các khoản mất mát của mình do đang sống ở một quốc gia mà đầu tư tiền mã hoá không được pháp luật bảo vệ.

Ông Zhou tin rằng “sẽ có nhiều hành động quản lý hơn diễn ra” và chính sách liên quan đến tiền mã hoá trên toàn thế giới sẽ “có thêm tính chất hạn chế”. Dù vậy, ông vẫn hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ điều hành ngành công nghiệp theo hướng “ủng hộ sự phát triển” vì nó sẽ “vạch ra đường lối về cách mà các quốc gia khác trên thế giới hành động”. 

Nam Khánh