|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lúa đầy đồng vẫn chưa thu mua vì doanh nghiệp vướng lưu thông và '3 tại chỗ'

18:12 | 13/08/2021
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo đồng loạt gặp khó khăn bởi không đủ năng lực sản xuất '3 tại chỗ', không có đủ người vận chuyển hàng hóa cũng như vướng mắc trong việc khâu lưu thông khi phải thực hiện giãn cách để chống dịch.

Chí phí đội lên cao khi sản xuất '3 tại chỗ' và cấp giấy thông hành

Tại ĐBSCL, hiện hàng trăm nghìn ha lúa chín rục ngoài đồng nhưng chưa thể thu hoạch ngay. 

Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ hè thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000 ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy.

Dự báo thời điểm thu hoạch lúa hè thu và thu đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm. Ước tính sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg.

Trong khi đó, nguồn nhân lực, máy móc phục vụ hoạt động thu hoạch đều đang phải hạn chế trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 càng làm người nông dân, thương lái, doanh nghiệp sốt ruột và lo lắng.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Suisse, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ ghe đến xe đều phải tuân theo Chỉ thị 16 và thủ tục lưu thông, điều này mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều vướng mắc.

"Nhà máy của công ty ở Trà Vinh, để vận chuyển hàng lên TP HCM phải qua các chốt kiểm dịch của tỉnh như Bến Tre, Long An...nhưng mỗi địa phương khi áp dụng quy định lại hiểu và thực hiện theo mỗi cách khác nhau nên dù doanh nghiệp đã chuẩn bị các loại giấy tờ cho tài xế vẫn chưa hẳn lưu thông được tất cả chốt", ông Hùng cho hay.

Lúa đầy đồng vẫn chưa thu mua vì doanh nghiệp vướng lưu thông và '3 tại chỗ'  - Ảnh 1.

Theo Bộ NN&PTNT giá lúa gạo tại ĐBSCL đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp ngành gạo hiện nay không riêng gì Việt Suisse. 

Ông Phan Văn Có,  Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết công ty ông cũng đau đầu với việc đáp ứng các quy định để được di chuyển trong thời gian lệnh giãn cách đang diễn ra ở tất cả tỉnh phía Nam, khu vực đang trong thời điểm thu hoạch vụ lúa hè thu.

"Đặc thù của ngành kinh doanh này là phải nhập nguyên liệu từ các cánh đồng tuy nhiên việc di chuyển hiện nay rất khó khăn, thương lái có đủ giấy tờ như giấy xét nghiệm âm tính, giấy đi đường có đủ lý do, qua được xã này nhưng xã khác không chịu thì vẫn phải quay lại", ông Có chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, một vấn đề khó khăn khác hiện nay là quy định test COVID-19, một loại giấy tờ bắt buộc có để các xe vận chuyển lúa gạo được lưu thông.

Ông Hùng cho biết, mức giá test vào khoảng 200.000-350.000 đồng/kg với hiệu lực trong ba ngày. Như vậy, bình quân mỗi người mất khoảng 100.000 đồng/ngày cho một tờ giấy xét nghiệm, điều này làm đội lên chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề thực hiện "3 tại chỗ" tại các nhà máy xay xác được cho là không hiệu quả và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

"Công năng của nhà máy vốn không phải để phục vụ cho công nhân ở lại và sinh hoạt nên khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" làm phát sinh các chi phí hậu cần cho việc ăn, ở tại chỗ của công nhân, đây là khó khăn lớn của doanh nghiệp. 

Đó là còn chưa kể đến việc nhiều công nhân từ chối ở tập trung vì sợ nguy cơ lây bệnh, khiến doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn nhân lực", ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Thực tế, nông dân - thương lái - doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất lúa gạo. Hiện đang còn gần 1 triệu ha lúa hè thu của nông dân vẫn đang trông chờ vào doanh nghiệp, thương lái đến thu mua.

"Tuy nhiên hiện nay, nông dân sản xuất ra lúa nhưng không bán hàng được, gây lãng phí và mất đi vốn đầu tư. Tình cảnh này có thể đến vụ mùa sau họ sẽ không còn vốn để tái canh tác. Khi đó nguồn cung lương thực sẽ giảm mạnh", ông Phan Văn Có chia sẻ.

Cần loạt giải pháp gỡ khó từ thu mua, vận chuyển đến vốn vay để cứu lúa gạo  

Trước bối cảnh hiện nay, hầu hết ý kiến đều cho rằng giải pháp cần nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng mở rộng năng lực hoạt động, sản xuất, để doanh nghiệp, thương lái tăng cường thu mua lúa sớm cho người dân.

"Quy định "3 tại chỗ" cần được thay đổi cho hợp lý với ngành gạo và công năng của nhà máy sản xuất. Các thủ tục kiểm tra ở các chốt cần thống nhất giữa các địa phương về nội dung cần kiểm tra và kiểm tra như thế nào là đạt để cho người kiểm và người bị kiểm đều có thể căn cứ và thực hiện chính xác, rõ ràng. 

Ngoài ra cần có chính sách thay thế quy định test nhanh để tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn vì người test vẫn có thể nhiễm bệnh ngay sau đó", Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Suisse kiến nghị.

Thực tế tại buổi làm việc ngày 12/8 giữa Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương về vấn đề thu mua, xuất khẩu gạo và nông sản, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đã đưa ra đề xuất liên quan đến việc gỡ khó cho việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo hiện nay.  

Trong đó, Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ vấn đề ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, tạo chính sách luồng xanh trong lưu thông lúa gạo đường thuỷ nội địa theo hai cung đường: cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics. Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistic ngành lúa gạo trên đường thuỷ và đường bộ...

Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ ba khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất - lưu thông - xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Tổ công tác đặc biệt sẽ xem xét đề xuất thành lập các điểm test nhanh tại chỗ để tăng tốc độ lưu thông cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

"Các đề nghị này rất thiết thực cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo nhưng chỉ khi những khó khăn trong việc thu mua và vận chuyển được sớm tháo gỡ thì giải pháp về tài chính như đề nghị của Bộ Công Thương mới khả thi", ông Phan Văn Có chia sẻ.

Như Huỳnh