|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lợi suất trái phiếu tăng vọt sau quyết định của Fed, nhà đầu tư phải quan ngại

08:23 | 19/03/2021
Chia sẻ
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ không nâng lãi suất từ nay cho đến hết 2023 dù lạm phát có thể lên cao, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã đồng loạt tăng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng tới thị trường cổ phiếu.

Tiền tệ nới lỏng, trái phiếu mất giá

Trong phiên 18/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy vọt 11 điểm cơ bản lên 1,75%, ghi nhận mức cao nhất kể từ phiên 24/1/2020 khi lợi suất này đạt 1,762%. 

Lợi suất kỳ hạn 30 năm cũng có lúc tăng 6 điểm cơ bản và vượt ngưỡng 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019. Lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm.

Lợi suất đồng loạt đi lên sau khi Fed kết thúc phiên họp chính sách hai ngày 16-17/3 và tuyên bố giữ nguyên lãi suất điều hành trong khoảng 0 - 0,25% cho đến hết năm 2023 để trợ lực cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Thông thường, khi tỷ lệ lạm phát vượt mức 2%, Fed sẽ nâng lãi suất và giảm cung tiền để đưa lạm phát quay lại mức mục tiêu. Tuy nhiên ngày 17/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa khẳng định Fed sẽ để cho lạm phát lên cao trong một thời gian dài rồi mới tính đến chuyện điều chỉnh chính sách.

Mặc dù duy trì biện pháp hỗ trợ nhưng Fed cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế Mỹ và nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ mức 4,2% đưa ra hồi tháng 12/2020 lên thành 6,5% trong cuộc họp lần này.

Trong các năm 2022 và 2023, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ hạ xuống còn lần lượt 3,3% và 2,2%, tỷ lệ dài hạn là 2,3%.

Kỳ vọng lạm phát lõi (core inflation) của Fed tăng lên mức 2,2% trong năm nay, tính theo chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE). Sang năm 2022 và 2023, lạm phát PCE được Fed dự báo ở mức tương ứng là 2% và 2,1%, tỷ lệ dài hạn là 2%.

Lợi suất trái phiếu tăng vọt sau quyết định của Fed, nhà đầu tư phải quan ngại ngại - Ảnh 1.

Chủ tịch Jerome Powell tại Washington ngày 3/3/2021. (Ảnh: Reuters).

CNBC dẫn lời ông Guy Lebas - Giám đốc chiến lược trái phiếu tại công ty quản lý tài sản Janney Montgomery Scott cho rằng việc lợi suất tăng vọt hôm 18/3 là "một phản ứng thái quá và muộn màng" đối với dự phóng của Fed và nhận định của ông Powell chiều hôm 17/3.

"Thị trường trái phiếu chủ yếu tập trung vào cam kết của ông Powell rằng chính sách của Fed sẽ tiếp tục nới lỏng và lợi suất sẽ được phép lên cao hơn. Đây không phải là thông tin mới", ông Lebas nói.

Fed tỏ ý sẵn sàng để nền kinh tế phát triển nóng và lạm phát lên cao. Nhiều nhà đầu tư trái phiếu lo ngại lạm phát cao sẽ ăn mòn giá trị dòng tiền từ trái phiếu. 

Cổ phiếu công nghệ cũng dính đòn

Nhận định của ông Powell và quyết định chính sách của Fed có nhiều điểm mâu thuẫn và khó có thể dung hòa được với nhau.

Ông Greg Faranello, Giám đốc bộ phận trái phiếu của công ty chứng khoán Amerivet Securities, nhận định: "Ông Powell như một siêu anh hùng vậy. Ông ấy nói tăng trưởng sẽ cải thiện, lạm phát sẽ lên cao nhưng đồng thời Fed sẽ duy trì lãi suất thấp".

Theo Bloomberg, ông Mohamed A. El-Erian - Cố vấn kinh tế trưởng tại công ty Allianz SE cũng cho rằng ông Powell đã cố lách qua khe cửa hẹp khi vừa nâng dự báo tăng trưởng, vừa giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất gần 0. 

Trong phiên giao dịch ngày 17/3, thị trường cổ phiếu ăn mừng quyết định của Fed và ông Powell, các chỉ số xanh miên man. S&P 500 lập đỉnh mới, Dow Jones lần đầu chinh phục mốc 33.000, Nasdaq đi lên khi các đại gia công nghệ cùng khởi sắc. 

Tuy nhiên bước sang phiên 18/3, tình hình đảo ngược khi lợi suất trái phiếu tăng sốc. 

Lợi suất trái phiếu tăng vọt sau quyết định của Fed, nhà đầu tư phải quan ngại ngại - Ảnh 2.

Chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq Composite đi lên vào cuối phiên 17/3 nhưng lao dốc trong ngày 18/3. (Nguồn: CNBC)

Thông thường khi ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lợi suất cũng sẽ thấp. Tuy nhiên hiện nay, các nhà đầu tư đang lo ngại lạm phát trong tương lai sẽ lên cao vì các kích thích tài khóa khổng lồ và quá trình hồi phục kinh tế, mà Fed thì tuyên bố sẽ không can thiệp, khiến cho giá trị tương lai của dòng tiền bị ăn mòn.

Lạm phát và mặt bằng lãi suất đi lên khiến cho chi phí lãi vay tăng. Dòng tiền tương lai trong các công thức định giá cổ phiếu cũng sẽ bị chiết khấu sâu hơn.

Doanh nghiệp công nghệ là nhóm vay nợ nhiều để tài trợ cho tăng trưởng, dòng tiền kỳ vọng từ tương lai cũng rất lớn, do vậy nhóm cổ phiếu này bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lợi suất tăng.

Trong phiên 18/3, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất hơn 400 điểm, tương đương 3%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 25/2. Các đại gia trong nhóm Big Tech như Apple, Amazon và Netflix đều sụt hơn 3%. Cổ phiếu xe điện Tesla mất gần 7%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trong chỉ số S&P 500 cũng mất tới 2,9%, mức giảm lớn thứ 2 trong 11 nhóm ngành, chỉ sau cổ phiếu dầu khí đang đỏ lửa vì giá dầu giảm.

Song Ngọc

Data Talk: 'Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300' sẽ diễn ra vào 14h45 ngày 13/9
Cùng nắm bắt cơ hội qua từng nhịp đập thị trường, những phân tích hữu ích của các chuyên gia, trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư. Tất cả có trong Data Talk số tháng 9/2024, sẽ được phát sóng vào lúc 14h45 Thứ 6 ngày 13/9.