|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ giảm sốc: Tại sao nhà đầu tư sợ lợi suất tăng?

13:57 | 26/02/2021
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đang cố sức tìm lời giải cho câu hỏi: Lợi suất trái phiếu tăng cao có tác động thế nào tới cổ phiếu? Đó là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực?
Chứng khoán Mỹ giảm sốc: Tại sao nhà đầu tư sợ lợi suất tăng? - Ảnh 1.

Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ tại New York. (Ảnh: NYSE).

Từ phiên giao dịch 10/2 đến nay, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (chưa điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng từ 1,13% lên 1,61% - mức cao nhất trong 12 tháng qua.

Mối lo về lạm phát đã khiến nhiều nhà đầu tư sợ rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phải thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến, có thể là bằng cách giảm quy mô mua vào trái phiếu hoặc thậm chí là nâng lãi suất.

Chính sách thắt chặt này, nếu được áp dụng, sẽ gây tác động xấu tới giá cổ phiếu. Chỉ số Dow Jones mất 560 điểm, tương đương 1,8%, trong phiên 25/2. Chỉ số S&P 500 cũng lao dốc 2,5%.

Chứng khoán Mỹ giảm sốc: Tại sao nhà đầu tư sợ lợi suất tăng? - Ảnh 2.

CNBC dẫn lời ông Peter Tchir - Giám đốc chiến lược vĩ mô của công ty chứng khoán Academy cho hay: "Việc lợi suất trái phiếu 10 năm đi lên không phản ánh sự tăng thực tế của lạm phát mà chỉ cho biết rằng các nhà đầu tư đang dự đoán lạm phát sẽ tăng". Trong tương lai, lạm phát có thể tăng hoặc giảm, phải chờ mới biết được.

Ông chỉ ra rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gạt đi những lo ngại về việc lạm phát tăng quá nóng. "Lạm phát có thể phải mất ba năm nữa mới chạm đến mức mục tiêu của Fed", ông Powell dự báo, đồng thời khẳng định ngân hàng trung ương này có công cụ để kiểm soát lạm phát nếu cần.

Lần này, lạm phát là tốt cho cổ phiếu?

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư trái phiếu đang đứng trước một giai đoạn tăng trưởng kinh tế có lẽ là mạnh mẽ nhất kể từ năm 1950. Các quan chức Fed thì sẵn lòng để lạm phát lên cao hơn ngưỡng 2% của quá khứ và không phát đi bất cứ tín hiệu gì về việc kiểm soát đà tăng của lợi suất hiện nay.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần này, Chủ tịch Jerome Powell gọi lợi suất tăng là "dấu hiệu của sự tin tưởng" vào triển vọng kinh tế Mỹ. Ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis ngày 25/2 cho rằng lợi suất tăng có lẽ là "một dấu hiệu tốt" và chưa đáng ngại vào giai đoạn này. Ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cũng đưa ra nhận định tương tự.

Các nhà đầu tư trái phiếu thì tỏ ra lo lắng về lạm phát trong tương lai nên đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao để bù vào mức tăng trong mặt bằng giá. Vậy thực tế có lạm phát hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào người được hỏi và từng loại dữ liệu.

Trên thị trường hàng hóa, rõ ràng lạm phát đang rất cao. Giá dầu tăng mạnh từ đáy hồi tháng 4/2020 và hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2018. Giá đồng cũng đang ở gần đỉnh 10 năm.

Tuy nhiên, các dấu hiệu về lạm phát tiêu dùng lại khá mờ nhạt. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ lạm phát chỉ tương đương hoặc thấp hơn mức mục tiêu 2% của Fed.

Những người đầu tư giá lên như ông Peter Tchir cho rằng trong trường hợp này, lợi suất tăng không gây ra tác động tiêu cực tới cổ phiếu. "Lần này, lợi suất đi lên là vì tăng trưởng kinh tế, kích thích tài khóa và đầu tư hạ tầng. Tất cả đều có lợi cho cổ phiếu. Vì thế nên tôi không quá lo ngại".

Ông cho rằng mức tăng trong giá hàng hóa chỉ là biểu hiện tạm thời của quá trình tái mở cửa và có thể dễ dàng được hấp thụ để sớm trở lại tình trạng bình thường.

Ông Hans Mikkelsen, Chiến lược gia tín dụng tại Bank of America cũng cho rằng kinh tế đang tăng trưởng nhưng dự báo tốc độ sẽ mạnh hơn nhiều và có thể đẩy lạm phát lên. "Kể từ mùa hè 2020 đến nay, các nhà kinh tế luôn luôn đánh giá thấp tăng trưởng kinh tế một cách nghiêm trọng".

 Nhà đầu tư thấp thỏm

Chìa khóa của vấn đề hiện nay là liệu Chủ tịch Jerome Powell có giữ lời hứa về việc phớt lờ lạm phát trong ngắn hạn và giữ nguyên lãi suất ở mức thấp lịch sử hay không. Nếu ông Powell làm như những gì mình đã nói, thị trường sẽ có thể yên tâm.

Một vấn đề khác là định giá cổ phiếu đang rất cao và không có chỗ cho bất kỳ sai sót nào. Chỉ cần một thay đổi nhỏ với lợi suất có thể thôi thúc các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ chốt lời vì cho rằng giá đã tạo đỉnh.

Ông Michael Farr – Nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Farr, Miller & Washington cho rằng việc lợi suất tăng những tuần qua là một tín hiệu đáng ngại.

"Những ngày mà nhà đầu tư chỉ việc rót tiền vào các cổ phiếu dẫn đầu thị trường bất chấp định giá đã sắp kết thúc. Các nhà đầu tư giờ đây phải nhận ra rằng có những cơ hội kiếm tiền khác, bao gồm những cổ phiếu trước đây thua kém thị trường, hay thậm chí là cả trái phiếu – nay đã hấp dẫn hơn trước nhờ lợi suất tăng".

"Nếu quả thực kinh tế hồi phục mạnh mẽ và lợi suất cùng lạm phát tăng cao, môi trường đầu tư sẽ thay đổi một cách căn bản", ông Farr nói thêm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.