10 cổ phiếu 'đỉnh của chóp' trong gần 100 năm qua và hàm ý cho nhà đầu tư
Cuối năm 2020, Giáo sư Hendrik Bessembinder tại Đại học bang Arizona đã công bố kết quả nghiên cứu về lượng hóa thành quả dài hạn mà các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ mang lại. "Dài hạn" ở đây không phải là 5, 10, 20 năm mà là gần 100 năm, từ 1926 đến hết 2019.
Tác giả đã phân tích toàn bộ 26.168 cổ phiếu được giao dịch công khai tại Mỹ, đồng thời trừ đi lãi suất phi rủi ro tính bằng lợi suất tín phiếu Kho bạc kỳ hạn 1 tháng.
Hiển nhiên là không phải khoản đầu tư nào cũng sinh lợi. Khoảng 42,2% tổng số - tức là 11.036 cổ phiếu – tạo ra giá trị dương cho nhà đầu tư, còn 15.132 cổ phiếu còn lại (tức 57,8%) làm cho cổ đông hao tiền tốn của.
Mặc dù vậy, khi tính cộng gộp toàn bộ hơn 26.000 cổ phiếu trong giai đoạn 1926 – 2019, tài sản của nhà đầu tư đã tăng lên tổng cộng 47.380 tỷ USD. Đây chính là phần thưởng mà nhà đầu tư nhận về vì đã dũng cảm rót tiền vào cổ phiếu và chấp nhận rủi ro lớn hơn việc an phận cầm tín phiếu Kho bạc.
Các cổ phiếu công nghệ tạo ra khối của cải lớn nhất là 9.000 tỷ USD, tương đương 19% tổng số. Nhóm tài chính chiếm 15,2%, nhóm sản xuất 12,5%, y tế và dược phẩm là 9,8%.
Chỉ khoảng 1.000 cổ phiếu dẫn đầu (tức gần 4% tổng số) đã tạo ra toàn bộ giá trị của cải tăng thêm cho nhà đầu tư. Cộng gộp 96% số cổ phiếu còn lại chỉ mang đến lợi nhuận tương tự như tín phiếu phi rủi ro.
Cá biệt, chỉ cần 83 cổ phiếu (tức 0,317% tổng số) đã đóng góp 50% lượng tài sản tăng thêm trên trên thị trường.
Nếu chỉ tính top 5 xuất sắc nhất (0,019%), số của cải tạo ra trong giai đoạn 1926 – 2019 đã tương đương 11,9% toàn thị trường.
Xu hướng bất cân xứng của các cổ phiếu ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn ba năm cuối cùng của mẫu khảo sát là 2017, 2018 và 2019, top 5 cổ phiếu dẫn đầu đã đóng góp 22,1% tổng của cải tăng thêm trên toàn thị trường, cao hơn hẳn mức 11,9% trong cả kỳ nghiên cứu như nói ở trên.
Theo Giáo sư Hendrik Bessembinder, trong top 10 cổ phiếu tạo ra nhiều của cải nhất cho nhà đầu tư giai đoạn 1926 - 1919 có 5 công ty công nghệ (Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, và IBM), một công ty thuộc mỗi lĩnh vực năng lượng (Exxon Mobil), y dược (Johnson and Johnson), bán buôn và bán lẻ (Walmart), tài chính (Berkshire Hathaway) và sản xuất (Proctor and Gamble).
Đáng chú ý là thời gian bắt đầu lưu hành của các cổ phiếu trên rất khác nhau. Exxon Mobil là cái tên lâu đời nhất, góp mặt từ khi bắt đầu có số liệu vào năm 1926, Apple và Microsoft lên sàn lần lượt vào năm 1981 và 1986. Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) còn sinh sau đẻ muộn hơn, vào các năm 1997 và 2004.
Có thể thấy, dù các doanh nghiệp công nghệ thuộc nhóm non trẻ nhất nhưng cũng lớn nhanh nhất và tạo ra nhiều của cải trên thị trường chứng khoán nhất.
Hào kiệt mỗi thời mỗi khác
Danh sách top 10 cổ phiếu tạo thêm nhiều của cải nhất trên thị trường chứng khoán thường xuyên thay đổi theo thời gian. Diễn biến giá tăng, giảm khác nhau sẽ khiến một số cái tên bị loại và những gương mặt mới được thêm vào.
Chẳng hạn, mấy năm trước Exxon Mobil từng đứng số 1 thì đến năm 2019 đã tụt xuống thứ 3; General Electric từng góp mặt trong top 4 nhưng trong báo cáo gần đây nhất đã rớt xuống số 12.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng cho thấy một xu hướng tương đối xuyên suốt trong thời gian dài là số cổ phiếu mang lại giá trị dương cho nhà đầu tư thường ít hơn số cổ phiếu đưa đến giá trị âm; và chỉ một số ít cổ phiếu đã tạo ra phần lớn của cải tăng thêm của toàn thị trường.
Trong tổng số 26.188 cổ phiếu được nghiên cứu, chỉ cần 83 cổ phiếu đã đóng góp 50% lượng tài sản tăng thêm của trên thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn 1926 – 2019. Top 50 cổ phiếu dẫn đầu đã góp tới 41%. Trong những năm tới, tên của các cổ phiếu đứng đầu bảng xếp hạng có thể thay đổi, nhưng đa phần của cải mới tạo ra vẫn sẽ chỉ thuộc về một số ít gương mặt.
Nói vậy để thấy rằng tuy xu hướng dài hạn chung của thị trường là đi lên, nhưng nếu chọn sai cổ phiếu thì tài khoản vẫn bay hơi như thường. Và việc tìm kiếm 50-80 "siêu cổ phiếu" giúp tài khoản tăng bằng lần trong số hơn 26.000 ứng viên là không hề dễ dàng, thậm chí giống như mò kim đáy bể.
Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã quyết định không mò mẫm dò tìm mà mua luôn cả thị trường bằng cách bỏ tiền vào các quỹ đầu tư thụ động như quỹ chỉ số và quỹ ETF. Hệ quả là quy mô tài sản mà các quỹ thụ động toàn cầu quản lý đã tăng chóng mặt trong những năm qua, vượt mốc 10.000 tỷ USD vào năm 2019.
Ở chiều ngược lại, Morgan Stanley ước tính các nhà đầu tư đã rút khoảng 1.000 tỷ USD khỏi các quỹ chủ động trong một thập kỷ qua.
Mua cả thị trường: Nhẹ nhàng và không đau đầu
Các quỹ thụ động có ưu điểm là đầu tư dàn trải vào nhiều cổ phiếu thuộc đa dạng các ngành khác nhau, tránh được rủi ro lựa chọn sai cổ phiếu. Một ưu điểm khác là chi phí quản lý thấp vì chỉ mua bán theo các bộ chỉ số có sẵn, không cần thuê chuyên gia phân tích với mức lương trên trời và không cần các chuyến đi tìm hiểu từng doanh nghiệp.
Huyền thoại Warren Buffett từng khuyên các nhà đầu tư nghiệp dư không nên cố học cách chọn cổ phiếu như ông mà chỉ nên rót tiền vào các quỹ chỉ số S&P 500 và để đó trong thời gian dài. John Bogle – nhà sáng lập quỹ chỉ số lớn nhất thế giới Vanguard – được Warren Buffett tôn vinh là "người hùng" trong ngành đầu tư.
"Nếu có một người xứng đáng được dựng tượng để tôn vinh những đóng góp cho các nhà đầu tư Mỹ, người đó chính là John 'Jack' Bogle. Đối với tôi và đối với hàng triệu nhà đầu tư, ông ấy là một người hùng", Warren Buffett viết trong bức thư gửi cổ đông năm 2016.
Kiểu đầu tư thụ động của John Bogle có vẻ đơn giản tới mức nhàm chán, nhưng quan trọng là nó an toàn và mang lại hiệu quả. Thị trường chứng khoán tăng trong dài hạn và người kiên trì sẽ chiến thắng.
Theo báo cáo của Credit Suisse, trong 120 năm từ 1900 đến 2019, đầu tư vào cổ phiếu mang lại tỷ suất lợi nhuận thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) bình quân 5,2% mỗi năm, trong khi trái phiếu chỉ là 2% mỗi năm và tín phiếu còn thấp hơn với 0,8% một năm.
Khi tích tụ trong khoảng thời gian dài, sự khác biệt về suất sinh lợi lại càng trở nên rõ rệt. Một đồng đầu tư vào cổ phiếu năm 1900 sẽ mang lại 1.937 đồng vào năm 2019, trong khi đó trái phiếu chỉ đem về 10,9 đồng và tín phiếu là 2,6 đồng.
Ngân hàng Credit Suisse cũng chỉ ra top 10 thị trường cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi tốt nhất thế giới, sau khi đã điều chỉnh lạm phát và quy đổi về USD, đó là: Australia, Mỹ, Nam Phi, New Zealand, Đan Mạch, Thụy Điển, Canada, Phần Lan, Thụy Sỹ và Hà Lan.
Các thị trường này mang về lợi nhuận từ 5,3 đến 6,8% mỗi năm, tức là đều cao hơn trung bình toàn cầu.
Ba thị trường dẫn đầu (Australia, Mỹ và Nam Phi) đều là các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, ít bị chiến tranh tàn phá, biết đa dạng hóa nền kinh tế sang các lĩnh vực dịch vụ, tài chính. Vì vậy, trải qua gần một thế kỷ với đầy rẫy thăng trầm gồm hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng chục lần suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán Australia, Mỹ và Nam Phi vẫn tạo ra suất sinh lời vượt trội.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/