|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

John Bogle: Huyền thoại đầu tư thích làm giàu cho người khác hơn kiếm tiền cho chính mình

11:13 | 07/02/2021
Chia sẻ
John Bogle đã tạo ra một cuộc cách mạng, giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng và với chi phí hợp lý hơn cho hàng triệu người lao động bình dân.
John Bogle: Huyền thoại đầu tư làm giàu cho người khác thay vì làm tỷ phú - Ảnh 1.

John Bogle, nhà sáng lập Tập đoàn Vanguard. (Ảnh: Vanguard).

John Bogle là nhà sáng lập Tập đoàn Vanguard và cha đẻ của ngành đầu tư chỉ số. Ông đã biến đổi ngành quản lý tài sản, giúp đầu tư trở nên rẻ hơn, đơn giản hơn và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, nâng cao lợi ích tài chính cho hàng triệu người.

Nhưng điều đáng nói nhất về John Bogle là ông đã tạo ra hàng tỷ hoặc có lẽ là cả nghìn tỷ USD giá trị cho những người khác, trong khi chỉ giữ lại khá ít cho chính mình. Điều này trái ngược với sự tích lũy tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng một cách báo động.

Cuộc đời của John Bogle là lời nhắc nhở rằng các lãnh đạo doanh nghiệp có khả năng và trách nhiệm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa công ty, người lao động và khách hàng, theo Bloomberg

Nếu John Bogle có suy nghĩ như những người khác, ông sẽ trở thành tỷ phú. Thương hiệu đầu tư của John Bogle - mua các quỹ chỉ số chi phí thấp và giữ chúng mãi mãi – có vẻ rất khôn ngoan. Nhưng khi John Bogle tung ra quỹ chỉ số đầu tiên dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ năm 1976, ngành quản lý quỹ đã chế nhạo ông, gọi quỹ chỉ số là "sự ngu xuẩn của Bogle".

John Bogle đã không nản lòng và đến nay Vanguard là một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới. Tài sản đang quản lý của Vanguard vượt mốc 7.000 tỷ USD vào tháng 1/2021. Vanguard và đối thủ lớn nhất BlackRock thống trị ngành quản lý tài sản nhờ vào xu hướng chuyển dịch lớn của nhà đầu tư sang các quỹ mô phỏng biến động chỉ số trong thập kỷ qua.

Để có thể cạnh tranh, các công ty khác buộc phải giảm phí, giúp nhà đầu tư tiết kiệm hàng tỷ USD. Cuộc cách mạng của John Bogle có ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của ngành quản lý tài sản.

Lý do đầu tư theo chỉ số trở nên phổ biến

Theo BBC, đầu tư theo chỉ số đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư chỉ bằng với mặt bằng chung – hay nói cách khác là tầm thường. Đó là lý do ban đầu chẳng mấy ai quan tâm tới quỹ của John Bogle.

Các chuyên gia tài chính thậm chí còn coi đầu tư theo chỉ số là cái tát vào mặt. John Bogle gần như nói thẳng vào mặt mọi người rằng: "Đừng trả tiền cho các chuyên gia để lựa chọn cổ phiếu, vì kết quả họ đạt được chẳng khá gì hơn nhắm mắt chọn bừa. Tôi cũng không hơn gì, nhưng ít nhất tôi tính phí rẻ hơn".

Các quỹ đầu tư chủ động rất đắt đỏ, một phần vì quỹ phải liên tục mua và bán chứng khoán để tìm kiếm món hời. Họ cũng trả cho các nhà phân tích số tiền hào phóng để bay khắp nơi và gặp gỡ ban giám đốc doanh nghiệp.

Mức phí của quỹ đầu tư chủ động nghe có vẻ rất nhỏ, chỉ 1% hoặc 2% mỗi năm, nhưng chúng sẽ nhanh chóng tích tụ lại. Rốt cuộc, các khoản phí có thể nuốt chửng 1/4 thành quả của một quỹ đầu tư chủ động điển hình. Trong khi đó, mức phí trung bình của quỹ chỉ số chỉ là 0,6%, theo Investopedia.

43 năm sau khi John Bogle thành lập quỹ chỉ số, gần 50% các quỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ theo đuổi chiến lược mô phỏng chỉ số thay vì săn lùng từng cổ phiếu riêng lẻ. Ngay cả Warren Buffett, người thường xuyên đánh bại thị trường với tài năng phát hiện món hời cũng ca ngợi chiến lược của John Bogle.

Trong cuộc họp cổ đông năm 2020 của Berkshire Hathaway, Warren Buffett khuyên: "Đối với hầu hết mọi người, điều tốt nhất nên làm là sở hữu quỹ chỉ số S&P 500".

Người hùng của Warren Buffett

Warren Buffett không tiếc lời ca ngợi John Bogle trong bức thư gửi cổ đông năm 2016: "Nếu cần dựng một bức tượng để tôn vinh người đã giúp đỡ nhiều nhất cho các nhà đầu tư Mỹ, người đó chính là John 'Jack' Bogle. Đối với tôi và đối với hàng triệu nhà đầu tư, ông ấy là một người hùng".

Người hùng của tỷ phú Warren Buffett có số tài sản khá khiêm tốn. Bloomberg ước tính khi John Bogle qua đời vào tháng 1/2019, giá trị ròng của ông là khoảng 80 triệu USD, con số thấp một cách đáng kinh ngạc với nhà sáng lập của một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.

Vào thời điểm đó, tài sản của ông Stephen Schwarzman, đồng sáng lập quỹ đầu tư tư nhân Blacktone là 12,3 tỷ USD. Bà Abigail Johnson, CEO Fidelity Investments có giá trị ròng là 12,2 tỷ USD, dù tài sản đang quản lý lúc bấy giờ của Fidelity chỉ bằng một nửa so với Vanguard. Ông Larry Fink, CEO BlackRock cũng gia nhập hàng ngũ tỷ phú trong năm 2018.

John Bogle: Huyền thoại đầu tư làm giàu cho người khác thay vì làm tỷ phú - Ảnh 2.

Lưu ý: Tài sản ròng chỉ tính đến khi John Bogle qua đời, không phải số liệu hiện tại.

Vậy tiền của John Bogle biến đâu hết? Chúng chảy vào túi nhà đầu tư của Vanguard, những người chỉ phải đóng khoản phí cực kỳ thấp so với mặt bằng chung. Chúng cũng chảy vào ví tiền của các nhân viên Vanguard. Nếu John Bogle muốn tích lũy khối tài sản khổng lồ, chắc chắn nhân viên của ông sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều.

Triết lý chia sẻ của John Bogle được trình bày chi tiết trong cuốn sách nổi tiếng của ông: "Đủ: Thước đo đích thực về tiền bạc, kinh doanh và cuộc sống". Trong quyển sách này, ông ca ngợi việc cho đi và bày tỏ sự nghi ngờ sâu sắc về việc tích lũy của cải không ngừng.

Thật khó để tưởng tượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác có suy nghĩ giống như John Bogle. Khoảng cách giữa giới lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động đã nới rộng trong đại dịch COVID-19. Thống kê mới nhất của Oxfam cho thấy 2.153 tỷ phú của thế giới có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người, chiếm 60% dân số toàn cầu.

Tổng giá trị tài sản ròng của 5 thành viên của gia tộc sở hữu Walmart có mặt trong Chỉ số Tỷ phú Bloomberg là hơn 212 tỷ USD. Trong khi đó, một nhân làm việc toàn thời gian trong một cửa hàng Walmart ở Mỹ kiếm được trung bình 25.000 USD/năm, dưới mức nghèo khổ cho một gia đình 4 người.

Những người sáng lập, nhà đổi mới và lãnh đạo công ty xứng đáng được hưởng thành quả từ những đóng góp của họ. Nhưng với chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, niềm tim vào thị trường tự do cũng suy yếu.

Tấm gương của John Bogle sẽ nhắc nhở mọi người rằng thị trường tự do phụ thuộc chủ yếu vào sự sẵn lòng của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc bảo đảm phúc lợi cho mọi thành phần trong xã hội và biết khi nào – và đến đâu – là đủ.

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.