Ba triết lý đầu tư của huyền thoại Peter Lynch
Vào đầu những năm 1980, nhà quản lý danh mục đầu tư trẻ tuổi Peter Lynch trở thành một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Lý do rất dễ hiểu: Khi Lynch tiếp quản quỹ tương hỗ Fidelity Magellan vào tháng 5/1977, tài sản của quỹ là 20 triệu USD. Từ năm 1977 đến 1990, ông biến Fidelity thành quỹ tương hỗ lớn nhất trên thế giới, đánh bại thị trường với tỷ suất lợi nhuận hàng năm ngoạn mục 29%.
Peter Lynch thành công nhờ vào các nguyên tắc rất cơ bản và ông sẵn lòng chia sẻ chúng cho mọi người. Dưới đây là ba triết lý đầu tư cốt lõi của Peter Lynch theo Investopedia.
Chỉ mua những gì bạn hiểu
Theo Lynch, công cụ nghiên cứu chứng khoán tuyệt vời nhất của mỗi người là đôi mắt, đôi tai và phán đoán thông thường. Ông tự hào vì đã khám phá ra nhiều ý tưởng tuyệt vời bằng cách đi dạo qua cửa hàng tạp hóa hoặc tình cờ trò chuyện với bạn bè và gia đình.
Mỗi người đều có năng lực phân tích trực tiếp nội dung chiếu trên TV, phát qua radio hay đăng trên báo. Chúng ta cũng có thể bật ra ý tưởng đầu tư khi xuống phố hay lên đường đi nghỉ mát.
Theo số liệu của Statista, tiêu dùng tư nhân chiếm 68% GDP của Việt Nam năm 2019. Nói cách khác, phần lớn các công ty trong thị trường chứng khoán đều phục vụ người tiêu dùng cá nhân. Nếu sản phẩm một công ty thu hút bạn với tư cách là người tiêu dùng, thì cổ phiếu của nó cũng sẽ thu hút sự quan tâm của bạn với tư cách là nhà đầu tư.
Phân tích kỹ lưỡng
Quan sát ban đầu và những câu chuyện truyền miệng là khởi đầu tốt, nhưng mọi ý tưởng đầu tư đều cần được nghiên cứu một cách khôn ngoan. Đừng bị nhầm lẫn bởi triết lý đơn giản của Peter Lynch, thành công của ông có nền tảng là sự nghiên cứu nghiêm túc. Ông liệt kê một số giá trị căn bản cần có đối với những cổ phiếu đáng mua:
Tỷ trọng doanh thu: Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó thu hút bạn đến với một công ty, hãy chắc rằng tỷ trọng của sản phẩm này trong doanh thu đủ cao để thực sự mang lại ý nghĩa. Một sản phẩm tuyệt vời chỉ chiếm 5% doanh thu sẽ không có nhiều tác động đến lợi nhuận.
Tỷ lệ PEG: Tỷ lệ này được sử dụng để định giá cổ phiếu khi tính đến tốc độ tăng trưởng thu nhập dự kiến từ cổ phiếu đó. Nhà đầu tư nên tìm kiếm những công ty có tốc độ tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ và định giá hợp lý. Lý tưởng là một công ty tăng trưởng mạnh với tỷ lệ PEG từ hai trở lên.
Ưu tiên những công ty có vị thế tiền mặt tốt và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn mức trung bình. Dòng tiền mạnh mẽ và cách quản lý tài sản khôn ngoan giúp công ty có đủ cách ứng phó trong mọi điều kiện thị trường.
Đầu tư cho dài hạn
Lynch cho rằng: "Xu hướng giá cổ phiếu tương đối dễ đoán trong vòng 10 hay 20 năm. Còn liệu cổ phiếu tăng hay giảm giá trong hai hoặc ba năm thì bạn có thể tung đồng xu để quyết định".
Thật đáng ngạc nhiên khi lời nói trên đến từ một huyền thoại Phố Wall nhưng nó thể hiện ông hoàn toàn tin tưởng vào triết lý của mình. Lynch cập nhật kiến thức về công ty mình sở hữu và miễn là các điểm mạnh căn bản không thay đổi, ông sẽ không bán ra. Ông không cố gắng mua đáy bán đỉnh hay dự đoán phương hướng chung của nền kinh tế.
Trên thực tế, Lynch từng nghiên cứu để xác định xem bắt đáy có phải là chiến lược hiệu quả hay không. Ông phát hiện rằng nếu một người đầu tư 1.000 USD đúng vào ngày chứng khoán leo lên đỉnh cao nhất trong mỗi năm từ 1965 đến 1995, anh ta sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận kép 10,6% cho giai đoạn 30 năm.
Nếu người khác cũng đầu tư 1.000 USD mỗi năm trong cùng giai đoạn vào ngày chứng khoán xuống đáy, tỷ suất lợi nhuận kép của anh ta là 11,7% trong chu kỳ 30 năm.
Do đó, sau 30 năm chọn đúng thời điểm sai lầm nhất, tỷ suất lợi nhuận kép của nhà đầu tư đầu tiên chỉ kém người thứ hai 1,1 điểm % mỗi năm. Do đó, Lynch tin rằng cố gắng dự đoán biến động ngắn hạn của thị trường chỉ tổ phí thời gian. Bằng cách đơn giản hóa vấn đề, ông tập trung vào công đoạn quan trọng nhất – tìm kiếm những công ty tốt.
Lynch đặt ra thuật ngữ "tenbagger" để mô tả một cổ phiếu tăng giá trị gấp 10 lần hoặc 1.000%. Đây là những cổ phiếu mà ông đã tìm ra khi điều hành quỹ Magellan. Quy tắc số 1 để tìm kiếm tenbagger là không bán ra dù cổ phiếu đã tăng 40% hoặc thậm chí 100%.
Nhiều nhà quản lý quỹ ngày nay tìm cách bán bớt các cổ phiếu thắng cuộc và đổ thêm tiền vào các vị thế thua lỗ. Lynch thấy rằng điều này giống với việc "nhổ hoa và tưới cỏ."