|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu, Dow Jones thủng mốc 31.000

06:42 | 27/02/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/2 lại thêm một phiên đỏ lửa khi nỗi lo lạm phát và lãi suất tăng vẫn ám ảnh nhà đầu tư. Cả Dow Jones và S&P 500 đều đi xuống rõ rệt.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu, Dow Jones thủng mốc 31.000 - Ảnh 1.

Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ tại New York. (Ảnh: Getty Images).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 470 điểm, tương đương 1,5%, và đóng cửa ở 30.932 điểm - gần mức thấp nhất phiên. Chỉ số S&P 500 giảm 0,5% còn 3.811 điểm, trong đó nhóm năng lượng và tài chính dẫn đầu đà đi xuống.

Ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 13.192 điểm khi các cổ phiếu Big Tech hồi phục sau phiên bán tháo giữa lo ngại về lạm phát và lợi suất trái phiếu. Facebook, Microsoft và Amazon đều thêm hơn 1%. Trong phiên 26/2, Nasdaq biến động dữ dội, có lúc tăng tới 1,9% và có lúc giảm 0,7%.

Trước đó vào phiên 25/2, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh, các chỉ số giảm từ 1,8 đến 3,5%.

Tính chung cả tuần, ba chỉ số chứng khoán lớn đều đi xuống khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về lãi suất và lạm phát lên cao. Chỉ số S&P 500 mất 2,5%, ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Dow Jones giảm 1,8% và Nasdaq Composite tụt xuống sâu nhất, mất 4,9%.

Theo CNBC, thị trường ngày 26/2 đi xuống bất chấp việc số liệu do Bộ Thương mại mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1 của Mỹ khá thấp, chỉ tăng 0,3% so với tháng liền trước, nhỉnh hơn so với dự báo 0,2% của Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 1,5%, tương đồng với ước tính của Dow Jones. 

Nói về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường theo dõi chặt chẽ số liệu PCE thay vì CPI.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 10 điểm cơ bản xuống còn 1,42% trong phiên 26/2. Trước đó vào phiên 25/2, lợi suất này có lúc vọt lên trên 1,6%. 

Lợi suất các kỳ hạn ban đầu giảm mạnh sau khi số liệu lạm phát PCE được công bố nhưng sau đó bật tăng trở lại, châm ngòi cho đợt giảm điểm của các chỉ số chứng khoán. 

Theo CNBC, từ đầu năm đến nay lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 50 điểm cơ bản - một mức tăng tương đối mạnh. Đây cũng là loại lợi suất được dùng làm mốc tham chiếu cho các khoản vay mua nhà hoặc mua xe hơi.

Bất chấp diễn biến tiêu cực trong tuần này, nếu tính cả tháng 2, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên nhẹ. S&P 500 và Dow Jones thêm lần lượt 2,6% và 3,2%, Nasdaq kém hơn với mức tăng 0,9%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng của chỉ số S&P 500 tăng 4,3% trong tuần này, nâng tỷ lệ tăng cả tháng 2 lên 21% giữa kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ hồi phục khi dịch bệnh được khống chế. Cổ phiếu tài chính cũng tăng 11% trong tháng qua nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao hơn.

Các nhà kinh tế nhận định rằng việc lợi suất trái phiếu tăng lên là một kiểu phản ứng với triển vọng kinh tế khả quan, vắc xin được triển khai trên diện rộng và dự báo GDP cải thiện, tất cả đều tích cực cho lợi nhuận doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, lợi suất tăng mạnh cũng có thể là dấu hiệu cho thấy lạm phát trong tương lai sẽ cao hơn dự kiến. Fed có thể sẽ phải giảm bơm tiền hoặc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mặc dù vậy, Chủ tịch Jerome Powell gần đây đã gạt đi lo ngại giá cả tăng quá nóng và cam kết duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Song Ngọc