|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones rớt 560 điểm, chứng khoán Mỹ đỏ lửa khi lợi suất tăng

06:17 | 26/02/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 25/2 đồng loạt lao dốc khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Nhà đầu tư hoảng sợ và vội vàng rút khỏi các tài sản rủi ro, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ với định giá cao.
Dow Jones cắm đầu rơi 560 điểm, chứng khoán Mỹ đỏ lửa khi lợi suất tăng - Ảnh 1.

Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 18/3/2020 khi thị trường lao dốc vì đại dịch. (Ảnh: Getty Images).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt 560 điểm khỏi đỉnh lịch sử, tương đương 1,8%, và đóng cửa ở 31.402 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,5% và kết phiên ở 3.829 điểm, ghi nhận ngày sụt giảm mạnh nhất kể từ 27/1. 

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi xuống sâu hơn, sụt 3,5% còn 13.119 điểm, đánh dấu phiên tiêu cực nhất kể từ 28/10 năm ngoái. Các đại gia công nghệ như Alphabet, Facebook, và Apple đều mất hơn 3%; Tesla lao dốc 8,1%, Microsoft mất 2%.

Các chỉ số chứng khoán chính giảm nhanh sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng sốc từ khoảng 1,4% trong phiên trước lên 1,6%. Một số nhà đầu tư gọi đây là cú nhảy vọt "chớp nhoáng". Về sau, lợi suất này hạ nhiệt và giao dịch quanh mức 1,52%, cao nhất trong 12 tháng qua.

CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty tư vấn đầu tư LPL Financial nhận định: "Câu chuyện ngày hôm nay hoàn toàn là về lợi suất. Có lúc lợi suất 10 năm nhảy vọt chớp nhoáng và khiến cho thị trường chứng khoán hoảng sợ. Liệu lạm phát tương lai có cao hơn nhiều người dự báo không? Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không lo ngại về lạm phát nhưng thị trường thì có".

Dow Jones cắm đầu rơi 560 điểm, chứng khoán Mỹ đỏ lửa khi lợi suất tăng - Ảnh 2.

Sau khi tăng sốc, lợi suất trái phiếu 10 năm còn cao hơn lợi suất cổ tức (dividend yield) của chỉ số S&P 500, có nghĩa là tuy cổ phiếu rủi ro hơn nhưng lợi nhuận chi trả lại thấp hơn trái phiếu. Tình trạng này có thể khiến cho dòng tiền chảy khỏi cổ phiếu càng thêm mạnh.

Lợi suất lên cao gây tác động tiêu cực nhất cho các doanh nghiệp công nghệ vì nhóm này dựa vào vay nợ nhiều để tài trợ tăng trưởng. Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq Composite đã sụt 5,4%. Tuần trước, chỉ số này cũng đã đi xuống.

Riêng trong phiên 25/2, cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin là hai nhóm lao dốc mạnh nhất trong 11 nhóm thành phần của chỉ số S&P 500, mất tương ứng 3,6% và 3,5%.

Dòng tiền của nhà đầu tư đang luân chuyển sang các cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế. Năng lượng và tài chính là hai nhóm duy nhất đang duy trì sắc xanh so với đầu tuần, trong đó năng lượng dẫn đầu với mức tăng 6,8%.

Lợi suất trái phiếu đi lên bất chấp việc Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ kinh tế phục hồi và gạt đi những lo ngại về lạm phát. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23 và 24/2, ông Powell cho biết có thể phải mất ba năm nữa lạm phát mới chạm đến mức mục tiêu và khẳng định Fed có công cụ để kiểm soát nếu cần.

Nhà đầu tư ngày 25/2 dường như cũng phớt lờ số liệu vĩ mô tích cực mới công bố. Theo CNBC, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 730.000, thấp hơn hẳn so với dự báo 845.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.

Bên cạnh đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền tăng 3,4% trong tháng 1, khả quan hơn dự báo 1% của Dow Jones. Các số liệu tích cực này chỉ khiến cho lợi suất trái phiếu tăng mạnh hơn.

Trái ngược với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, cổ phiếu đầu cơ GameStop vẫn tăng 18,6% trong phiên 25/2. Phiên trước đó, cổ phiếu này đã vọt lên 104% sau thông tin Giám đốc tài chính Jim Bell sẽ từ chức vào cuối tháng 3.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.