Lợi nhuận từ gọi xe quá thấp, Grab tìm 'gà đẻ trứng vàng' mới
Với việc đẩy mạnh mở rộng loại hình dịch vụ cung cấp trong vài năm trở lại đây, dịch vụ tài chính và giao đồ ăn của Grab đang mang về trên 50% tỉ trọng trong tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của Grab, theo chia sẻ của ông Lim Jell Jay, giám đốc khu vực GrabFood.
"Chúng tôi khởi đầu như một công ty gọi xe và xây dựng tệp người dùng trong lĩnh vực này. Sau đó, chúng tôi thấy cơ hội cung cấp nhiều dịch vụ hơn tới người dùng", ông Lim phát biểu. "Qua đó, chúng tôi gắn kết với khách hàng hơn và họ sẽ giao dịch nhiều hơn trên nền tảng".
Mở rộng sang các lĩnh vực khác như tài chính hay giao đồ ăn cũng là giải pháp sống còn với các startup gọi xe như Grab trong bối cảnh mảng gọi xe có biên lợi nhuận thấp và khó có thể giúp những startup sớm có lãi.
Tháng trước, Meituan, một ông lớn giao đồ ăn ở Trung Quốc, cho thấy những tiềm năng lớn ở mảng dịch vụ khi công bố lợi nhuận trước thuế tới 1,3 tỉ nhân dân tệ (184,6 triệu USD) cho quý III năm nay.
Mảng giao đồ ăn và dịch vụ tài chính của Grab giờ quan trọng không kèm dịch vụ gọi xe. (Ảnh: EPA-EFE)
Số lượng startup "kì lân" trên thế giới khá lớn, song chúng ta luôn thiếu những "kì lân" có lãi lớn như Meituan. Grab ở thời điểm hiện tại đang được định giá 14 tỉ USD.
Grab đang "đặt cược" lớn vào mảng giao đồ ăn. Kể từ khi thâu tóm mảng vận hành và kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á năm 2018, Grab đã mở rộng GrabFood ra 6 quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Có tầm ảnh hưởng lớn hơn, nhưng Grab đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Go-Jek, một "ông lớn" gọi xe khác của Indonesia. Cả hai công ty đều đang tăng hết tốc lực để trở thành một startup có lãi, mặc dù Grab tuyên bố đã lãi tại một số thị trường.
"Biên lợi nhuận cho mảng giao đồ ăn tốt hơn so với mảng gọi xe", Lim tiết lộ. Với mảng giao đồ ăn, các công ty thường cắt một phần doanh số bán hàng từ các nhà cung cấp đồ ăn trên nền tảng của họ.
Bên cạnh giao đồ ăn, Grab còn đang vận hành những dịch vụ bếp chung (GrabKitchen) để tương tác sâu hơn với cả khách hàng, đối tác bán hàng và đối tác tài xế.
Cho tới năm 2025, dung lượng thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á sẽ chạm mốc 40 tỉ USD, chia đều cho hai mảng. (Nguồn: Google, Temasek, Bain, Việt hoá: Thái Sơn)
Những đối tác bán hàng sau đó có thể trở thành một phần của hệ sinh thái dịch vụ tài chính do Grab cung cấp mang tên GrabPay, một dịch vụ ví điện tử.
Cùng thời điểm, họ có thể tích luỹ lịch sử tín dụng với Grab để nhận các khoản vay nhỏ dùng để mở rộng kinh doanh. Trước đó, nhóm kinh doanh này thường chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng vì quy mô nhỏ, hoặc thường phải vay với lãi cao.
"Điều chúng tôi sẽ làm là thực sự thúc đẩy kinh tế thông qua dịch vụ tài chính", ông Reubeu Lai, giám đốc điều hành Grab Financial, nói. "Đây là một vấn đề lớn ở Đông Nam Á khi nhiều người không được cấp tín dụng hoặc thậm chí không có tài khoản ngân hàng suốt nhiều năm."
Giống nhiều công ty dịch vụ tài chính khác, Grab bắt đầu với dịch vụ thanh toán trên di động nhưng đã mở rộng sang dịch vụ bảo hiểm, tín dụng và có thể là cả quản lí tài sản trên nền tảng của công ty tại một số quốc gia.
Tuần trước, Grab ra mắt thẻ thanh toán GrabCard tại Singapore, cho phép người dùng có thể thực hiện thanh toán cả trực tuyến và ngoại tuyến. Startup "kì lân" này cũng tự tin có thể ra mắt GrabCard tại Philippines ngay trong quý I/2020 và nhiều thị trường khác ngay trong nửa đầu năm.