Lợi nhuận thuần 2019 của May Sông Hồng có thể đạt 418 tỉ đồng, tăng 13%
Nhà máy Sông Hồng 10 có thể tạo ra khoảng 30 triệu USD doanh thu
Theo báo cáo phân tích về CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định dự án Nhà máy may Sông Hồng 10 đang được thực hiện nhằm phục vụ tăng trưởng cho May Sông Hồng trong 2-3 năm sắp tới trong bối cảnh các dây chuyền may hiện tại của công ty gần như đã vận hành 100% công suất.
Cụ thể, Sông Hồng 10 (May Sông Hồng sở hữu 51% vốn) dự kiến có quy mô 40 chuyền may với 2.500-3.000 lao động sẽ được hoàn tất và đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2020.
Theo kế hoạch, Sông Hồng 10 (SH10) có thể tạo ra khoảng 30 triệu USD doanh thu khi hoạt động 100% công suất trong năm thứ 2 đi vào hoạt động, nâng tổng công suất của May Sông Hồng lên 20%. Ngoài ra, theo chia sẻ của công ty, khi đưa vào hoạt động năm 2020, SH10 sẽ thực hiện 100% đơn hàng theo phương thức FOB (tự chủ nguyên liệu) và bước đầu nhiều khả năng sẽ ký kết các đơn hàng may cho sản phẩm mang thương hiệu Nike.
Tổng vốn đầu tư dự án SH10 ước tính khoảng 16 triệu USD bao gồm 10 triệu USD dành cho đầu tư xây dựng cơ bản nhà xưởng. Trong đó, May Sông Hồng dự kiến sử dụng vốn vay tài trợ 70% chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, việc dự án SH10 được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 2 năm đầu có lãi, giảm 50% thuế 4 năm tiếp theo) sẽ giúp tiết giảm chi phí toàn Công ty.
Ngoài ra, ban lãnh đạo có chia sẽ về dự án thành lập liên doanh với Luen Thai (Hong Kong), tập đoàn chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Victoria's Secret, Calvin Klein, …
Các đơn hàng của đối tác này hiện tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Campuchia và Phillipine, trong khi tại Việt Nam Luen Thai mới đang hợp tác sản xuất tại 3 nhà máy, trong đó có 1 nhà máy dệt.
Liên doanh giữa May Sông Hồng và Luen Thai dự kiến sẽ sản xuất kinh doanh mặt hàng đồ lót mang các thương hiệu cao cấp như Victoria's Secret, Calvin Klein, … hứa hẹn mức biên lợi nhuận gộp cao hơn hẳn các sản phẩm may mặc hiện tại của MSH, theo đó sẽ tạo động lực tăng trưởng đáng kể cho MSH. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở đánh giá về dự án liên doanh này nên chúng tôi tạm chưa phản ánh vào giá trị của May Sông Hồng ở thời điểm hiện tại.
Xuất khẩu sang Nhật của May Sông Hồng dự kiến đạt 3 triệu USD
Mảng chăn ga gối đệm với kế hoạch tái định vị và thúc đẩy doanh thu xuất khẩu trong bối cảnh thị trường nội địa chịu áp lực cạnh tranh Hiện tại, mảng chăn ga gối đệm (CGGĐ) của May Sông Hồng được sản xuất và phân phối qua hệ thống đại lý cấp 1 với nhãn hiệu Sông Hồng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu May Sông Hồng. Tuy nhiên, quy mô thị trường nội địa hiện tại được cho là không quá lớn (dao động khoảng 1.500-1.800 tỉ đồng) và đầy cạnh tranh.
Trong đó, bên cạnh các thương hiệu uy tín với giá bán tương đối cao như Everon, Hanvico thì thị trường còn có sự tham gia của các sản phẩm Trung Quốc, đối thủ chính cùng phân khúc hiện tại của May Sông Hồng.
Do đó, May Sông Hồng thực tế đang gặp khó khăn bước đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa. Tuy nhiên, ban lãnh đạo May Sông Hồng cũng đang cân nhắc và tìm hiểu các phương án giúp duy trì và tăng trưởng doanh thu nội địa, bao gồm cả việc ký kết nhượng quyền sử dụng hình ảnh từ Disney trên các sản phẩm CGGĐ Sông Hồng, với đối tượng khách hàng trẻ em bước đầu được cho là có doanh số khá triển vọng trong 2018.
Về xuất khẩu, sản phẩm CGGĐ của May Sông Hồng hiện đã đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc cũng như các yêu về chất lượng sản phẩm và độ an toàn trong sản xuất của EU.
Thực tế, trong 2019, theo chia sẻ May Sông Hồng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang Nhật với tổng giá trị ước đạt khoảng 3 triệu USD và có thể tăng lên mức 5 triệu USD trong điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, May Sông Hồng cũng đang tìm kiếm nguyên liệu phù hợp nhằm hướng tới việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA sau khi có hiệp lực để xuất khẩu sang thị trường EU.
Về kết quả kinh doanh 2019, BVSC dự báo doanh thu thuần của May Sông Hồng đạt hơn 4.391 tỉ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng đơn hàng FOB dự báo tiếp tục cải thiện, chiếm hơn 83 % doanh thu may mặc xuất khẩu, đạt gần 3.295 tỉ đồng.
Cụ thể, tăng trưởng giá trị đơn hàng từ 3 đối tác FOB lớn như Columbia Sportswear, G-III và Haddad lần lượt đạt 21%, 110% và 20%. Doanh thu CMT (may gia công) ước đạt gần 657 tỉ đồng, chiếm 17% doanh thu mảng may. Doanh thu mảng Chăn ga gối đệm được giả định tăng 10%, đạt 440 tỉ đồng.
Nhà máy Sông Hồng 10 dự kiến được khởi công vào 2019 và chính thức đưa vào vận hành thương mại vào 4/2020, với kế hoạch tài trợ 70% vốn đầu tư bằng nợ vay, chi phí lãi vay ước ghi nhận gần 46 tỉ đồng với giả định toàn bộ chi phí lãi vay sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh thay vì vốn hóa do thời gian triển khai xây dựng trong khoảng 1 năm. Do đó, chi phí tài chính ghi nhận trong năm sẽ đạt 57,5 tỉ đồng, tăng 26%. Lợi nhuận thuần cả năm ước đạt 418 tỉ đồng, tăng 13%.