|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

May Sông Hồng đặt kế hoạch lãi kỷ lục 600 tỷ đồng

08:57 | 18/02/2025
Chia sẻ
May Sông Hồng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng hai con số so với kết quả năm trước.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) vừa thông qua một số kế hoạch năm 2025 với tổng doanh thu kỳ vọng đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ, lần lượt tăng 4% và 11% so với kết quả năm ngoái.

 Nguồn: Báo cáo tài chính.

Ngoài ra, HĐQT cũng cho biết vừa nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Bernard Szeto W.K. vào ngày 12/2.

Cả kế hoạch kinh doanh năm 2025 và đơn từ nhiệm nói trên sẽ được trình lên ĐHĐCĐ thường niên sắp tới dự kiến diễn ra ngày 26/4. Ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự là 25/3.

Ngoài các vấn đề như chia cổ tức năm 2024 và 2025, bầu mới thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 thay thế, ĐHĐCĐ thường niên sắp tới của May Sông Hồng còn dự kiến bàn về phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 2:1.

Nhìn lại năm 2024, đây được xem là một năm "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá khi cán đích kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD. Nhận định về triển vọng năm nay, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tín hiệu tăng trưởng thị trường dệt may ngày càng tốt hơn khi một số thị trường nhập khẩu chủ đạo Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản…đang tiếp tục ghi nhận sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.

Ông Cẩm cho hay, theo thường lệ, dịp cuối năm nhu cầu may mặc tăng mạnh, cùng với những yếu tố tác động từ nền kinh tế thế giới hay sự suy yếu, bất ổn của các đối thủ; sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam…là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may đón "mưa" đơn hàng ngay từ đầu năm 2025.

Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp thành viên hiệp hội cho biết đã có đơn hàng kha khá cho năm 2025.

Tuy nhiên, một biến số mà ngành cần lo ngại là mức thuế khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Chuyên gia SSI Research cho rằng dệt may là ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump. Hiện Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai về nhập khẩu quần áo vào Mỹ sau Trung Quốc. 

Về yếu tố nội tại, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là nút thắt cổ chai của ngành dệt may. Đây cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do. 

Minh Hằng