Sợi Thế Kỷ, May Sông Hồng,… bước vào chu kỳ đầu tư mới, rót hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà máy
Chu kỳ đầu tư mới của ngành dệt may
Đại hội đồng cổ đông CTCP Sợi Thế Kỷ (mã: STK) đã thông qua phương án đầu tư dự án "Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex" nhằm tăng gấp đôi công suất với chi phí 120 triệu USD. Trong đó, 75 triệu USD cho giai đoạn một và 45 triệu USD cho giai đoạn hai.
Dự án Unitex sẽ tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn một với công suất 36.000 tấn được khởi công vào năm 2021 và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Giai đoạn hai với công suất 24.000 tấn sẽ được thực hiện trong năm 2023 - 2025. Khi hai giai đoạn của dự án đi vào hoạt động, STK sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng công suất 120.000 tấn/năm.
Bên cạnh Sợi Thế Kỷ, CTCP May Sông Hồng (mã: MSH) đã khởi công xây dựng nhà máy Sông Hồng 10 (SH10) từ tháng 3/2021 và dự kiến hoàn thành tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Nhà máy SH10 sẽ tập trung sản xuất các đơn hàng FOB với công suất thiết kế là 70 triệu USD giá trị đơn hàng mỗi năm. May Sông Hồng kỳ vọng SH10 sẽ đạt 50% công suất trong hai tháng cuối năm 2021 và hoạt động hết công suất vào quý II/2022.
CTCP Đầu tư và Thuơng mại TNG (mã: TNG) cũng đang triển khai dự án KCN Sơn Cẩm 1 với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, diện tích 70 ha, dự kiến mở rộng lên 100 ha vào năm 2022. TNG đã giải phóng 50 ha mặt bằng và sẽ xúc tiến mở bán trong quý II/2021. Dự án hướng đến đối tượng khách hàng là các tập đoàn dệt may nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng "dệt - nhuộm – may".
Trong khi đó, một đơn vị dệt may khác là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) cho biết hiện tất cả các nhà máy của công ty đều hoạt động với công suất tối đa 33 triệu sản phẩm/năm và 20% doanh thu đến từ các đối tác gia công trong năm 2020.
Do đó, công ty dự kiến xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng ước tính là 11 triệu USD, tương đương 260 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 12/2021.
Ngoài việc bỏ tiền xây dựng mới các nhà máy để nâng năng suất, dòng vốn FDI cũng chảy vào khu vực dệt may góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Đơn cử như Công ty TNHH Texhong (Hồng Kông) bắt đầu xây dựng nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải Hà, Quảng Ninh vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 214 triệu USD.
Dự án tập trung vào sản xuất vải dệt kim, vải móc và vải không dệt. Giai đoạn một dự kiến hoàn thành tháng 11/2021 với công suất 150 triệu m2/năm. Giai đoạn hai với công suất 225 triệu m2/năm sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2022 - 2023.
Ngoài ra, giai đoạn bốn của nhà máy sợi Brotex của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2021, nâng tổng công suất của nhà máy lên 80.000 tấn/năm.
Các cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Trong quý I vừa qua, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I/2021 đạt mức 6,4% - mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984. Trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7% - cao thứ hai kể từ năm 1960.
Do đó, nhu cầu về mua sắm hàng hóa cá nhân trong quý I/2021, như quần áo và giày dép tăng lên đáng kể. Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may đạt 24 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của các nền kinh tế. EC dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone lần lượt đạt 4,3% và 4,4% cho năm 2021 và 2022.
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ VNDirect, những bất ổn chính trị ở Myanmar đang phủ bóng đen lên ngành may mặc của nước này. Theo Nikkei Asia, Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo thông báo hai nhà máy của họ đã bị phóng hỏa vào ngày 14/3. Những bất ổn sẽ khiến các nhà bán lẻ e ngại khi đặt hàng tại Myanmar và sẽ tìm các quốc gia thay thế trong giai đoạn tới có thể như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc....
"Chúng tôi cho rằng khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này", báo cáo của VNDirect cho hay.
Các công ty dệt may tại Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại giữa EU và Trung Quốc. Hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế như Nike, H&M, Uniqlo, Zara, ... đã thông báo ngừng sử dụng bông từ Tân Cương (Trung Quốc) sau căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước EU.
Do đó, theo VNDirect, TCM sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải tại Việt Nam. Hiện tại, doanh thu từ mảng kinh doanh vải của TCM đang chiếm 15% tổng doanh thu năm 2020.
Tình hình căng thẳng giữa EU-Trung Quốc cũng có thể tác động tích cực đến STK trong dài hạn khi các thương hiệu thời trang lớn có xu hướng sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.
Cuối cùng, các nhà sản xuất sản phẩm sợi có thể được hưởng lợi từ đà tăng của giá sợi trong khoảng thời gian 12/2020 - 3/2021. Giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể.
Theo Vinatex, thị trường bông toàn cầu sẽ thâm hụt nguồn cung vào khoảng 1 triệu tấn trong năm 2021. Do đó, các nhà sản xuất sợi như STK, PPH, TCM và VGT sẽ tận dụng được lợi thế từ việc tăng giá sợi. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất vải và may mặc sẽ phải đối mặt với thách thức tăng giá nguyên vật liệu đầu vào như TNG, MSH, VGG.