Một năm 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp dệt may, đơn hàng nhận không hết
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốcTập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VTG) cho hay, với kim ngạch 44 tỷ USD năm qua, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Nhìn lại năm vừa qua, ngành dệt may đã trải qua một năm 2024 với nhiều cung bậc. Nửa đầu năm 2024, thị trường và đơn hàng, giá xuất khẩu vẫn trên nền thấp của năm 2023 (đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh và đơn giá rất thấp), nhưng nửa cuối năm 2024, tình hình đã khởi sắc trở lại, nhờ đó, giúp toàn ngành "thoát hiểm", về đích với các chỉ tiêu tăng trưởng 11%.
Giai đoạn nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng, hầu hết đều có cái nhìn không mấy khả quan về thị trường. Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong 6 tháng cuối năm, tình thế đảo chiều khi bất ổn chính trị ở một số thị trường đối thủ như Bangladesh, giúp các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam tranh thủ được cơ hội chốt đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025, một số có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025.
Bên cạnh những điểm đặc biệt về đơn hàng, năm 2024, ngành dệt may năm qua phải đối mặt với biến động lớn về lao động lớn. “Biến động lao động dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2025 không chỉ ở ngành may, mà ở cả ngành sợi”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu lao động là Việt Nam đã mở thêm được các thị trường lao động mới, bên cạnh thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo đó, một lượng lao động dệt may đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động.
Theo cập nhật mới nhất của Wichart tại ngày 3/2, có 11 doanh nghiệp dệt may đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với tổng doanh thu cả năm đạt gần 34.600 tỷ đồng, lãi ròng cả năm gần 1.279 tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Mã: VGT) - anh cả đầu ngành dệt báo doanh thu cả năm tăng trưởng 5% lên 17.361 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) tăng tới 125% so với mức thấp của năm 2023 lên 372 tỷ đồng.
Nguyên nhân là, trong năm 2024, Vinatex có thêm các đơn hàng mới, giá vốn được giữ ổn định nên giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 7% năm 2023 lên 11% năm 2024, lãi gộp tăng hơn 55% lên 1.911 tỷ đồng.
Tương tự, điều kiện khách quan của thị trường đã giúp CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận doanh thu kỷ lục 7.736 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và thực hiện được 98% kế hoạch năm.
Xuất khẩu vẫn là động lực chính chiếm đến 97% tổng doanh thu, phần còn lại hơn 3% đến từ thị trường nội địa. Các thị trường chủ lực là Mỹ (tỷ trọng gần 50%), tiếp đến là Pháp (13%), Tây Ban Nha (7%), Canada (6%), Nga (5%)...
Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, công ty cũng thiết lập mức đỉnh mới với 316 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ và thực hiện được 102% kế hoạch năm.
Chia sẻ về kết quả trên, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dệt may TNG cho biết, lợi nhuận năm vừa qua gia tăng mạnh nhờ vào việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu. Công ty cũng đã tiến hành nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, tăng sử dụng thiết bị tự động, công nghệ AVG và robot trong điều hành sản xuất.
Dệt may TNG đã thu hút được lượng lớn các đơn hàng FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm), đặc biệt là trong giai đoạn Bangladesh đối mặt bất ổn chính trị khiến nhiều nhãn hàng chuyển dịch một phần đơn hàng.
Dệt may TNG đã được Decathlon - nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới đặt lượng đơn hàng “khủng” nhằm phục vụ cho Thế vận hội Olympic Mùa Hè tháng 6/2024 tại Pháp.
Theo đánh giá, lượng đơn hàng trong năm 2025 của Dệt may TNG kỳ vọng sẽ được lấp đầy từ tệp khách hàng mới (H&M, Walmart) và cũ (Asmara, Decathlon, Sportmaster). Lãnh đạo Dệt may TNG tiết lộ, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán hoàn tất kế hoạch sản xuất cho năm 2025.
Với CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), năm vừa qua, doanh thu thuần đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Việc cải thiện biên lãi gộp và giảm chi phí tài chính giúp công ty có lãi ròng 276 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và xấp xỉ đỉnh lịch sử.
Doanh thu cả năm của TCM đến từ 3 mảng chính là sản phẩm dệt may chiếm tỷ trọng 74%, vải chiếm 16% và sợi đóng góp 9% trên tổng nguồn thu. Thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Á với 68%; tiếp đến là châu Mỹ và châu Âu.
Đến thời điểm công bố tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ đang tiếp nhận gần lấp đầy đơn hàng cho quý I và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II.
2024 được xem là một năm "ăn nên làm ra" của ngành dệt may Việt Nam. Song, câu chuyện của CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) lại trái ngược khi doanh thu đạt chưa tới 1 tỷ đồng, giảm tới 90% so với năm 2023. Đây cũng là công ty dệt may duy nhất thua lỗ năm qua (lỗ 18 tỷ đồng).
Đầu năm nay, HOSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC từ 24/1 do công ty đã ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính quá 1 năm.
Trước đây, Garmex từng làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế như Decalthlon, Columbia, Nits... Tuy nhiên, chỉ trong hai năm 2022 - 2023, công ty đã cắt giảm khoảng hơn 4.000 nhân sự, đến cuối năm vừa rồi chỉ còn 31 nhân sự.
Trước giai đoạn suy yếu (từ 2022 đến nay), công ty từng thu về 1.000 - 2.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm từ 2012 – 2021, cùng với lợi nhuận khoảng vài chục tỷ đồng, cao nhất đạt 104 tỷ đồng và 121 tỷ đồng vào 2019 và 2018.
Ngành dệt may năm 2025 và những biến số
Năm 2024, Việt Nam vượt lên đứng vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều hàng dệt may nhất thế giới nhờ đón được luồng đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh. Tuy nhiên, báo Công Thương dẫn lời ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng từ Bangladesh là đơn hàng cơ bản, số lượng lớn nhưng giá thành không cao. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đón được luồng đơn hàng, nhất là những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cao cấp, thời trang như Hòa Thọ, May 10.
Do dệt may là ngành xương sống của Bangladesh, nên ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex nhận định, sản xuất hàng dệt may của nước sẽ phục hồi lại mức bình thường kể từ sau quý II/2025. Lúc đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi quốc gia đang được hưởng thuế quan ưu đãi cho nước kém phát triển, trong khi chi phí lao động của Việt Nam cao gần gấp ba lần so với đối thủ.
Ông Cầm nhìn nhận, trong nửa đầu năm 2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Đồng thời với đó, có một số tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi các thị trường nhập khẩu chính của ngành như Mỹ và EU phục hồi kinh tế khả quan hơn. Thu nhập và chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ được cải thiện sau khi lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm trở đi, nhà nhập khẩu sẽ không chốt đơn hàng dài mà đơn hàng sẽ ngắn và nhỏ hơn. Đặc biệt, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh sẽ giảm dần, hiện tại xuất khẩu của quốc gia này đã ổn định dần. “Theo chia sẻ của một số khách hàng, nhiều khách hàng không rời đi mà vẫn ở lại Bangladesh ngay cả khi xung đột xảy ra”, đại diện Vinatex thông tin.
Một biến số khác là mức thuế khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. SSI Research cho rằng dệt may là ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump. Hiện Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai về nhập khẩu quần áo vào Mỹ sau Trung Quốc.
Mỹ đã chuyển dần nhập khẩu may mặc ra khỏi Trung Quốc nên các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam trở thành các nguồn cung cấp quan trọng. Trong đó, Việt Nam hưởng lợi hơn cả khi sản phẩm Ấn Độ không đạt chất lượng cao và Banglades khủng hoảng chính trị.
Chuyên gia SSI đánh giá ngành dệt may vẫn tích cực, qua việc các công ty có đơn đặt hàng đến hết quý I/2025 cùng với các đơn đặt hàng trước từ các thương hiệu trước khi có điều chỉnh thuế.
Tăng trưởng doanh thu các công ty sẽ được thúc đẩy nhờ tăng trưởng sản lượng thay vì nhờ giá bán, khi người tiêu dùng chú trọng vào giá trị và Việt Nam ít có khả năng đàm phán để tăng giá. Trong khi lợi nhuận năm 2025 dự báo đi ngang do chi phí hoạt động gia tăng.
Về yếu tố nội tại, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là nút thắt cổ chai của ngành dệt may. Đây cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Cùng đó là biến động lao động tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp dệt may trong năm 2025.