|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu May Sông Hồng tăng kịch trần 20% ngày chào sàn HOSE

07:26 | 28/11/2018
Chia sẻ
Sáng 28/11, gần 48 triệu cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng chính thức niêm yết trên sàn HOSE và giao dịch với giá tham chiếu 45.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa 2.160 tỉ đồng.

Cổ phiếu MSH đã tăng trần ngay trong phiên chào sàn HOSE với mức giá 54.000 đồng/cp, đưa vốn hóa thị trường vượt 2.500 tỉ đồng. Tại thời điểm 9h30, thanh khoản của MSH đạt 43.000 đơn vị.

co phieu may song hong tang kich tran 20 ngay chao san hose
Ban lãnh đạo CTCP May Sông Hồng trong ngày chào sàn. Ảnh: Minh Anh

Tiếp tục đẩu mạnh mảng FOB lên 80% đến 2022

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, đối với mảng sản xuất hàng may xuất khẩu, trước đây, hoạt động kinh doanh của May Sông Hồng tập trung vào hình thức gia công (CMT).

Đây là phương thức sản xuất đơn giản, giá trị gia tăng thấp, doanh nghiệp nhận nguyên vật liệu, mẫu thiết kế và yêu cầu cụ thể từ khách hàng, sau đó cắt may, hoàn thiện sản phẩm.

Những năm gần đây, Công ty đã đẩy mạnh mảng FOB (tự chủ nguyên liệu), từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Cụ thể, tỷ trọng mảng FOB liên tục tăng, chiếm 72% tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu mảng gia công là 23%, tiếp tục giảm so với mức 38% trong năm 2016 và những năm trước đó.

Theo ông Quang, việc tăng tỷ trọng mảng FOB là nguyên nhân chính giúp doanh thu, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng mạnh. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng FOB, định hướng đến năm 2022, tỷ trọng mảng này chiếm khoảng 80% tổng doanh thu.

Đối với mảng chăn ga gối đệm đang đóng góp khoảng 10-15% doanh thu. Sắp tới công ty sẽ đẩy mạnh sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Nguyên nhân là khí hậu Việt Nam được dự báo nóng lên nên công ty đang chuyển hướng sang thị trường khác.

Ông Quang cho biết các nhãn hiệu của công ty như Doraemon, Elegance, Hello Kitty không những cạnh tranh tại thị trường trong nước, mà sản phẩm còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc.

Lãi sau thuế 9 tháng đạt 335 tỉ đồng, tăng 106%

May Sông Hồng tiền thân là Xí nghiệp may 1/7, được thành lập năm 1988 và đổi tên thành công ty May Sông Hồng từ năm 1993. Giai đoạn 2004 – 2018, vốn điều lệ của May Sông Hồng tăng gần 40 lần từ 12 tỉ đồng lên 476,28 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 1/10/2018, công ty có 4 cổ đông lớn sở hữu 53,91% vốn điều lệ. Cụ thể, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) sở hữu 21,63% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ông Bùi Việt Quang, Thành viên HĐQT nắm giữ 10,92% vốn điều lệ.

Cổ đông lớn Nguyễn Thị Đào sở hữu 7,77% vốn điều lệ công ty. Hiện, bà Đào không tham gia HĐQT và Ban Giám đốc công ty. Cổ đông tổ chức duy nhất là CTCP Chưng khoán FPT (FPTS) sở hữu gần 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương 13,61% vốn điều lệ công ty.

9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của công ty đạt 2.985 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 335 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 106%. Theo cơ cấu doanh thu của công ty, mảng FOB (tự chủ nguyên liệu) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 70,8%.

Theo sau đó, mảng gia công (CMT) và doanh thu khu vực nội địa chiếm tỉ trọng lần lượt là 18,71% và 10,49%.

Tổng tài sản tính đến 30/9 đạt 2.584 tỉ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi 520 tỉ đồng. Giá trị phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 54% so với đầu năm lên 694 tỉ đồng, giá trị hàng tồn kho 563 tỉ đồng.

Tổng nợ cuối kì 1.556 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ; giá trị nợ vay tài chính ngắn dài hạn khoảng 734 tỉ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối là 366 tỉ đồng.

Xem thêm

Minh Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.