|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý I của Thép Tiến Lên giảm 93%, danh mục chứng khoán lỗ hơn một nửa

20:21 | 22/04/2023
Chia sẻ
Dù lợi nhuận quý I/2023 của Thép Tiến Lên giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện so với quý IV trước đó.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.432 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, doanh thu giảm do giá bán sắt thép trên thị trường trong quý I giảm so với quý I/2022. 

Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 49 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 3,4%, thu hẹp so với mức cùng kỳ là 7,7%.

Trong khi chi phí lãi vay tăng hơn 80%, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Kết quả Thép Tiến Lên lãi sau thuế 6,2 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã cải thiện với quý liền trước.

Năm 2023, Thép Tiến Lên đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.000 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Như vậy sau một quý, công ty thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và hơn 6% mục tiêu lợi nhuận.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, khó khăn của ngành thép đã qua. Thép SMC (Mã: SMC) cũng vừa báo cáo quý I/2023 có lãi 20 tỷ đồng sau hai quý thua lỗ. Trong khi đó, Thép Nam Kim (Mã: NKG) ước lỗ 50 tỷ đồng nhưng cũng đã giảm nhẹ so với mức lỗ vài trăm tỷ của các quý trước. Còn CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) lỗ gần 19 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 29 tỷ, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp thua lỗ của Tisco.

 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của Thép Tiến Lên gần 4.116 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 2.850 tỷ đồng, chiếm hơn 69% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 515,7 tỷ đồng.

Cuối quý, công ty sở hữu danh mục chứng khoán với giá gốc gần 90 tỷ đồng với các mã cổ phiếu chính là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, VIX của Chứng khoán VIX và IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật. Các mã cổ phiếu này đều đang lỗ và Thép Tiến Lên phải trích lập dự phòng gần 50 tỷ đồng.

 Nguồn: BCTC quý I/2023.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 2.252 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm. Trong đó doanh nghiệp đang sử dụng hơn 1.545 tỷ đồng nợ đi vay, chiếm 69% tổng nợ phải trả. Ba tháng đầu năm, doanh nghiệp phải trả gần 29 tỷ đồng chi phí lãi vay. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ 1.863 tỷ đồng.

Minh Hằng