|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo phục hồi 6 tháng cuối năm

15:25 | 21/06/2021
Chia sẻ
Theo các nhà phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset, COVID-19 là trở ngại lớn nhất lên doanh thu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam kể từ 2020 tới nay bên cạnh chi phí tăng và nỗi lo gián đoạn nguồn cung, tuy nhiên, các áp lực trên sẽ dần giảm đi trong nửa sau năm 2021.
Giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi 6 tháng cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VASEP.

Hãng tài chính Mirae Asset vừa ra báo cáo ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 6/2021 với nhiều triển vọng tích cực. Trong đó, các tin tức hỗ trợ được cập nhật trong tháng 4 - 5/2021 gồm xu hướng tiêm vắc xin trên diện rộng dẫn đến nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ công mở cửa trở lại vào giữa tháng 5, diễn ra tại các nước Châu Âu (EU).

Xu hướng nới lỏng giãn cách xã hội cũng được ghi nhận ở Mỹ - nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Mirae Asset cho rằng động thái này kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhờ tốc độ luân chuyển hàng hóa phục hồi.

Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý II/2021, đạt 2,1 tỷ USD. Riêng tôm có thể đạt tổng giá trị xuất khẩu tăng hơn 20% trong quý II so với cùng kỳ năm trước do giá trị xuất khẩu ở hầu hết thị trường sẽ phục hồi hoặc tăng trưởng dương.

Theo Mirae Asset, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sụt giảm doanh thu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ 2020 đến nay là đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, hãng nhận định rằng khi thế giới đang nới lỏng giãn cách nhờ vắc xin COVID-19 được triển khai gấp tại các quốc gia, nhu cầu tiêu thụ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới phục hồi là tất yếu.

Mặt khác, Mirae Asset nhận thấy vẫn còn hai trở ngại trong ngắn hạn gây áp lực lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong nửa sau năm 2021.

Thứ nhất, chi phí tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, trung bình giá cá tra nguyên liệu tăng khoảng 11% so với cùng kỳ còn giá tôm thẻ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm.

Giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi 6 tháng cuối năm 2021 - Ảnh 2.

Giá cá tra nguyên liệu tại các khu cung cấp chính tăng cao so với cùng kỳ 2020; và giá tôm thẻ nguyên liệu tại Sóc Trăng hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ. (Nguồn: Agromonitor).

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển đường thủy bằng container từ Châu Á đi các châu lục khác tăng phi mã (tuyến Thượng Hải - Los Angeles tăng 238% so cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2021 do hiện tượng thiếu tàu và thiếu vỏ thùng container gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Các chi phí tăng trong hoàn cảnh giá bán trung bình cá 4 tháng đầu năm 2021 không có sự thay đổi so với cùng kỳ đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi 6 tháng cuối năm 2021 - Ảnh 3.

Chi phí vận chuyển container đường biển 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ. (Nguồn: Drewry.co.uk)

Thứ hai, làn sóng COVID thứ 4 tại Việt Nam gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đã có 4.164 ca nhiễm COVID-19 tại 34 (trong tổng số 64) tỉnh thành của Việt Nam kể từ 24/4/2021. Số ca bệnh trong đợt dịch này đã cao gấp 3 lần tổng số ca bệnh của đại dịch kể từ năm 2020.

Mirae Asset nhận định rằng nếu các vùng nguyên liệu thủy sản chính ở Việt Nam bị buộc phải cách ly sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung làm khả năng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị giảm.

Tuy nhiên, hãng cho biết các áp lực trên sẽ dần dần được gỡ bỏ trong nửa sau năm 2021 vì tình hình cước vận chuyển cũng như làn sóng COVID thứ 4 tại Việt Nam sẽ được giải quyết nhờ tốc độ triển khai nhanh của vắc xin trên toàn cầu cũng như các kế hoạch tiêm chủng ở Việt Nam. 

Trên cơ sở này và việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, Mirae Asset tin rằng giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng 6 và nửa sau năm 2021.

Mirae Asset đánh giá thị giá của các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản có khả năng vượt qua các đỉnh trước đây nhờ việc mặt bằng giá được điều chỉnh theo tương quan với mức VNIndex mới được hình thành ở khu vực 1.300 điểm.

Trong khoảng thời gian gần đây nhóm cổ phiếu thuỷ sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với diễn biến chung của thị trường. Tính riêng từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu ANV của Thuỷ sản Nam Việt đã tăng khoảng 30%; cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn tăng hơn 15%, FMC của Sao Ta tăng 17%, MPC của Minh Phú và CMX của Camimex Group cùng có mức tăng khoảng 13%,...


Tường Vy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.