Ngành dầu khí được dự báo có thể tăng trưởng lợi nhuận 741% năm 2021
Theo báo cáo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm các doanh nghiệp phi tài chính được báo tăng trưởng ở mức 20,7% so với 2020.
FiinGroup cho biết tăng trưởng lợi nhuận năm nay được hỗ trợ bởi cả tăng trưởng của doanh thu ở mức gần 18% và sự cải thiện về biên lợi nhuận ở hầu hết các ngành lớn như tài nguyên cơ bản và bất động sản.
Đối với ngành dầu khí, FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) của nhóm này sẽ tăng trưởng gần 741% đến từ nhóm "hạ nguồn" bao gồm CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Mã: PLX), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Mã: OIL), trong đó Lọc hóa Dầu Bình Sơn đã thực hiện 213% kế hoạch lợi nhuận năm trong quý 1.
Nhưng FiinGroup lưu ý rằng các doanh nghiệp dầu khí đang đưa ra kế hoạch kinh doanh 2021 dựa trên giả định giá dầu bình quân ở mức 45 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với giá dầu Brent hiện tại (70 USD/thùng).
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm "trung nguồn" đưa ra kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh trong bối cảnh hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực Châu Á chưa được đẩy mạnh dù giá dầu tăng.
Giá cổ phiếu dầu khí trên thị trường đã phục hồi mạnh từ đầu năm nay. Báo cáo của SSI Research mới đây cho rằng định giá toàn ngành dầu khí đã được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, cũng như thanh khoản dồi dào đổ vào thị trường chứng khoán.
Về triển vọng lợi nhuận quý II, SSI Research ước tính BSR, PLX, PLC, PVS, PVT sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2021, trong khi, GAS, DPM, DCM được dự báo sẽ chứng kiến lợi nhuận đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.
Mặc dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản và ngành nghề kinh doanh, các cổ phiếu toàn ngành dầu khí nhìn chung có mức độ tương quan rất cao với giá dầu.
Ngành bán lẻ có cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ tối ưu chuỗi cung ứng và chi phí hoạt động được kỳ vọng giúp LNST năm 2021 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) tăng tốt hơn về doanh thu, khoảng 21% so với 15%.
Trong khi đó, CTCP Thế Giới Số (Mã: DGW) dự kiến LNST tăng khoảng 12% nhưng kế hoạch này chưa tính đến các khoản thu nhập gia tăng nếu công ty ký kết hợp đồng phân phối với 2-3 nhãn hàng ICT mới và phân phối độc quyền các sản phẩm gia dụng của Xiaomi.
Đối với hàng cá nhân và gia dụng, nhóm may mặc có LNST dự kiến tăng 12,6% (chủ yếu đến từ nhóm đầu ngành như VGT, TNG, MSH, TCM, STK) nhờ hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục tại các thị trường xuất khẩu chính, tiếp theo là hàng cá nhân tăng gần 7% dù đại diện lớn nhất là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) dự kiến LNST tăng 15%.
Bất động sản có triển vọng tích cực hơn năm 2020 với nhiều doanh nghiệp (các mã VHM, NVL, PDR, NLG, AGG) sẽ đẩy mạnh bàn giao nhiều dự án cũng như ghi nhận doanh số bán hàng khả quan nhờ "sóng đầu cơ" bất động sản.
Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng LNST năm 2021 dự kiến tăng khoảng 22%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2016-2020 (gần 25%).
Hãng cho biết tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2021 đã giúp cải thiện định giá của khối cổ phiếu doanh nghiệp phi tài chính, lợi nhuận doanh nghiệp trong quý I tăng trên 140% so với cùng kỳ năm trước, đưa định giá P/E trượt 12 tháng của khối phi tài chính về hấp dẫn (18,8x) so với thời điểm cuối năm 2020 (21,6x).
Tuy nhiên, FiinGroup lưu ý triển vọng lợi nhuận 2021 đã phản ánh vào giá cổ phiếu của rất nhiều cổ phiếu lớn đầu ngành bất động sản, tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin và chứng khoán.
FiinGroup ước tính P/E 2021 của khối phi tài chính đạt 20,1x (hiện ở mức 18,8x) và P/B dự báo đạt 2,2x (hiện ở mức 2,5x).