|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngày trở về của Bầu Đức

15:09 | 19/06/2021
Chia sẻ
Khởi nghiệp bằng một phân xưởng mộc nhỏ ở Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức, phất lên nhờ gỗ rồi đến bất động sản, rồi chìm dần khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đang tìm đường trở về nghiệp xưa - nghề gỗ, cũng chính cái nôi nuôi dưỡng Hoàng Anh Gia Lai từ thuở ban đầu.
Đi lên từ nghề mộc, Bầu Đức quay trở lại với ngành gỗ - Ảnh 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: HAGL).

Từ hai bàn tay trắng, ông Đoàn Nguyên Đức đã xây dựng Hoàng Anh Gia Lai trở thành một “đế chế” đa ngành với tổng tài sản hàng tỷ USD cách đây 10 năm trước. Tại thời điểm mà ít có tập đoàn kinh tế tư nhân nào trong nước có được tên tuổi và quy mô lớn như Hoàng Anh Gia Lai. Thậm chí, năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Từng ước mơ thi lên đại học nhưng không thành, ông Đoàn Nguyên Đức quyết chí khởi nghiệp với một phân xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà và đạt được những thành công ban đầu với Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh Gia Lai vào năm 1993. 

Chính từ cơ ngơi này, đến năm 2006, Xí nghiệp này được chuyển đổi mô hình và trở thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, bất động sản.

Không chỉ nổi tiếng với đội bóng phố Núi, sức hút của Hoàng Anh Gia Lai nhanh đã lan toả lên mọi mặt nền kinh tế lúc bấy giờ. Dù đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết ngay tại thời điểm khủng hoảng kinh tế 2008, cổ phiếu HAG vẫn thiết lập được mức tăng giá chóng mặt, gấp ba lần chỉ sau ba quý sau đó và đưa bầu Đức đã trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt lúc bấy giờ.

Lụi tàn một "đế chế" 

Giai đoạn 2008 - 2009 cũng là những năm chứng kiến khủng hoảng, suy thoái kinh tế, HAGL chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Nhưng khi tham gia vào thương trường giữa lúc nền kinh tế u ám, Bầu Đức nhận ra còn rất nhiều cơ hội và ngách nhỏ để len vào và để đạt được thành công.

Năm 2009, HAGL báo lãi đến 1.743 tỷ trước thuế, để dễ hình dung, hãy nhìn vào con số của Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay khi đó cũng chỉ đạt chưa đầy 1.400 tỷ lợi nhuận, tương ứng 80% lợi nhuận doanh nghiệp của bầu Đức. 

Năm 2010, HAGL tiếp tục tạo sự phấn khích cho các nhà đầu tư khi vượt mốc 3.000 tỷ lợi nhuận trước thuế và 2.430 tỷ đồng lãi sau thuế nhờ các khoản đầu tư bất động sản. Nhưng cũng chính từ đây đã đánh dấu một giai đoạn HAGL sóng gió cho đến ngày hôm nay.

Khi nền kinh tế tiếp tục khó khăn sau các gói giải cứu của chính phủ, thị trường bất động sản đóng băng khiến các khoản nợ của Bầu Đức ngày càng tăng thêm. Cuối năm 2010, số nợ vay của bầu Đức đã lên đến ngưỡng 5.800 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu tăng mạnh, dòng tiền chảy trong doanh nghiệp đã ở mức báo động so với quy mô của HAGL. 

Thay vì cấu trúc theo hướng tin gọn, cắt giảm chi phí để tồn tại, ông Đoàn Nguyên Đức -  người vốn đã nhiều lần thành công với những thương vụ đầu tư "tất tay", hào sảng lại chọn con đường khác, táo bạo hơn. 

Quyết định cải tổ HAGL lần hai với phương án tách thành mô hình một công ty mẹ và 5 tổng công ty con. Ngành chủ lực khi đó là cao su, khoáng sản, bất động sản, thủy điện và sản xuất gỗ. 

Bầu Đức khi đó cũng xây 17 dự án thủy điện tại Tây Nguyên, Thanh Hóa và Lào với tổng công suất 420 MW. Ông từng ước tính, khi dự án hoàn thành, tổng sản lượng điện đạt khoảng 1,92 tỷ Kwh và tạo doanh thu trên dưới 1.344 tỷ đồng mỗi năm.

Đến năm 2012, nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, riêng HAGL của bầu Đức thì đã tăng nợ lên đến 16.000 tỷ đồng nợ vay, một con số khổng lồ thời điểm bấy giờ. Những khoản đầu tư dài hạn được tài trợ bằng vốn vay, rất nhiều trong đó là các khoản vay ngắn hạn đã nhanh chóng đưa HAGL đến bờ vực phá sản. 

Năm 2013, bầu Đức bày tỏ quyết tâm với các cổ đông sẽ tập trung xử lý nợ xấu, tinh gọn theo chiều sâu, chấp nhận cắt bỏ cả ngành truyền thống nhưng ít cơ hội như ngành gỗ, đá, khoáng sản, bất động sản để tập trung cho mảng nông nghiệp, bao gồm chăn nuôi bò và cây cao su.

Nhưng thật khó khăn khi hầu hết tài sản có được của bầu Đức lúc đó đều kém thanh khoản, không có gì ngoài hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp và một dự án bất động sản tại Myanmar. Thông thường hoạt động tái cấu trúc một doanh nghiệp phải bịt các lỗ hổng khiến tiền chảy ra, nhưng cũng cần một nguồn vốn bơm vào để tiếp tục nuôi dưỡng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, nhưng bao nhiêu tiền là đủ? Nhất là khi các chủ nợ không còn đủ sức để tái cấp vốn. 

Câu chuyện của bầu Đức thậm chí còn bi đát hơn. Thiếu tiền trả nhân công, cơ sở hạ tầng xuống cấp, bò thịt thì ốm không bán được bao nhiêu, cây trồng thì còi cọc và dịch bệnh, năng suất kém,... Ngay cả khi giải pháp tức thời là trồng các cây ngắn ngày để xoay nhanh dòng tiền cũng không mang đến hiệu quả, khi mà một tập đoàn quy mô hàng chục nghìn tỷ chỉ còn lại vài chục tỷ đồng tiền mặt làm vốn.

Ngay cả khi nhiều người vẫn tin rằng, có đất là có tất cả thì những phát ngôn mới đây của ông Trần Bá Dương sau khi Thaco tiếp quản Công ty nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG) cho thấy một thực tế trần trụi về khối tài sản này. 

Ông Dương thẳng thắn cho rằng, "đất không phải là tiền". Dù đất của HNG rất nhiều nhưng rất nhiều đất không thể sinh lãi và cũng không thể chuyển nhượng được. Nên chỉ có con đường làm duy nhất đó là làm nông nghiệp theo hướng công nghiệp trong nông nghiệp, kết hợp logistics, chế biến để tạo ra sản phẩm, đó mới thực sự là tiền.

Trở lại với nghề mộc

Sau khi quyết định bán HAGL Agrico và nhường quyền quản trị lại cho Thaco, bầu Đức đã chia sẻ kinh nghiệm xương máu rằng, "làm nông nghiệp không phải đơn giản, phải sạch nợ mới được". 

Cũng tại đại hội của HAGL Agrico, bầu Đức đã tự tin tuyên bố: "HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi 'vũng lầy' nợ nần. Đã có thời tôi là người nợ nhiều nhất nước, nhưng giờ thì tôi đã là người nợ ít nhất hiện nay".  

Ngày trở về của Bầu Đức  - Ảnh 2.

Sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của HAGL ghi nhận điểm tích cực nhất trên bảng cân đối kế toán là tổng nợ đi vay giảm tới 9.393 tỷ so với đầu năm còn 8.710 tỷ đồng. Đây là mức nợ thấp nhất của tập đoàn trong gần chục năm qua.

Giữa tháng 6, HAGL đã tất toán toàn bộ khoản nợ trái phiếu 407 tỷ đồng đối với ngân hàng HDBank kể từ hôm 16/5 sau khi bán thỏa thuận 79,87 triệu cổ phiếu HNG và giảm sở hữu tại HAGL Agrico từ 23,28% xuống 16,07% vốn.

Việc giảm nợ vay giúp chi phí lãi vay của HAGL giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của HAGL hiện vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu vốn lưu động, tài sản phần lớn nằm ở các khoản mục kém thanh khoản.

Báo cáo thường niên của Tập đoàn cũng chưa đưa ra con số kế hoạch kinh doanh cho năm nay. Dù kết quả kinh doanh quý I vẫn chưa có nhiều cải thiện sau khi "dứt áo" HAGL Agrico song việc giảm được gánh nặng lãi vay có thể coi là bàn đạp để HAGL hồi sinh thời gian tới.

Mới đây, thông tin từ Ban quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết, bầu Đức đang nghiên cứu đầu tư dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén, nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW từ nguyên liệu gỗ thừa sau khi chế biến, ... tại huyện Kon Plông với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Đồng thời, tại huyện Kon Plông, bầu Đức dự kiến triển khai dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (giống mô hình Học viện bóng đá mà Tập đoàn HAGL đã có tại tỉnh Gia Lai) và bất động sản với tổng diện tích 80 ha.

Như vậy, sau ba thập kỷ kinh doanh với đủ các ngành nghề, cuối cùng bầu Đức cũng đã trở lại với nghề kinh doanh gỗ, chiếc nôi nuôi dưỡng HAGL lớn mạnh từ những ngày đầu thập niên 90.

Tường Vy