|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận Dược phẩm Imexpharm tăng 27% 9 tháng đầu năm

19:49 | 18/10/2022
Chia sẻ
So với mức nền thấp của quý III/2021, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Imexpharm tăng 79%, đồng thời cho thấy sự cải thiện so với hai quý đầu năm.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cho thấy doanh thu thuần tăng 62% so với cùng kỳ lên gần 418 tỷ đồng.

Trong kỳ, biên lãi gộp cải thiện từ 34,8% quý III năm ngoái lên 41,1% quý vừa rồi. Chi phí bán hàng tăng 76% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần gấp đôi cùng kỳ. Kết quả quý III, Imexpharm lãi sau thuế gần 56 tỷ đồng, tăng 79% so với mức thấp của cùng kỳ và cho thấy sự phục hồi so với hai quý đầu năm.

 Lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Imexpharm cho thấy sự phục hồi so với hai quý đầu năm. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý của Imexpharm).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.086 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 197 tỷ lần lượt tăng 25% và 27% so với 9 tháng năm 2021. So với kế hoạch doanh thu cả năm là 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 275 tỷ, Imexpharm đã thực hiện được lần lượt 75% và 72% mục tiêu năm sau 9 tháng.

Nguồn: BCTC quý III/2022 của Imexpharm.

Trước đó Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận ngành dược sẽ có bức tranh sáng sủa hơn vào nửa cuối năm 2022 so với mức thấp cùng kỳ.

Doanh thu các công ty dược phẩm được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do mức nền thấp của kênh bệnh viện. Nguyên do là dịch COVID–19 bùng phát tại Việt Nam khiến bệnh nhân bị hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện làm doanh thu kênh ETC bị suy giảm kể từ đầu quý I/2021.

Đồng thời, người dân lựa chọn mua thuốc điều trị triệu chứng COVID-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe tại kênh nhà thuốc dẫn tới sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm. 

Yếu tố hỗ trợ cho ngành dược còn đến từ cuộc đua mở rộng thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ và xây dựng mới bệnh viện, từ đó giúp ngành mở rộng kênh bán hàng.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Imexpharm tại cuối quý III là 2.189 tỷ đồng, giảm khoảng 100 tỷ so với đầu năm, phần lớn tập trung vào khoản mục tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang là các máy móc sản xuất dược phẩm. Hàng tồn kho ở mức 400 tỷ đồng, hầu hết là nguyên vật liệu và thành phẩm.

Nợ phải trả cuối kỳ là 363 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay (hoàn toàn là ngắn hạn) là 131 tỷ, chiếm hơn 1/3 tổng nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.826 tỷ, bao gồm 474 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển và 174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Từ đầu năm đến nay, SK Investment Vina III Pte. Ltd, quỹ thành viên của SK Group đã miệt mài gom cổ phiếu IMP. Tính đến cuối tháng 9/2022, SK Invesment III sở hữu hơn 31 triệu cổ phiếu IMP, tương ứng tỷ lệ 46,57% vốn điều lệ, so với con số 29,42% tại ngày đầu năm.

Ngày 7/10, quỹ ngoại này tiếp tục mua thêm cổ phiếu IMP, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ Hàn Quốc và những người có liên quan lên 55,04% vốn điều lệ của Imexpharm.

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.