|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận cộng hợp quý I của Vinachem ước đạt 45 tỉ đồng

10:50 | 05/04/2019
Chia sẻ
Trong quý I/2019, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế của Vinachem ước đạt 10.415 tỉ đồng; doanh thu ước đạt 10.259 tỉ đồng, lợi nhuận cộng hợp Tập đoàn 45 tỉ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), về công tác thoái vốn, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết, từ tháng 7/2018, Vinachem lựa chọn và ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn của tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp và giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp thoái vốn năm 2018 của Tập đoàn.

Tuy nhiên, do việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử theo Thông tư 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính gặp khó khăn nên Tập đoàn chưa thực hiện kịp tiến độ thoái vốn trong năm 2018.

Đối với kết quả kinh doanh quý I/2019, Vinachem đạt giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế ước đạt 10.415 tỉ đồng; Doanh thu ước đạt 10.259 tỉ đồng, Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 45 tỉ. Nộp NSNN ước đạt 350 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 8,6 triệu đồng/người/tháng.

Báo cáo tại cuộc làm việc xử lý 12 dự án thua lỗ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem thừa nhận, tình hình xử lý các dự án thua lỗ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là dự án Nhà máy đạm Ninh Bình.

Cụ thể, hiện nhà máy vẫn sản xuất cầm chừng dựa vào tiền khách hàng mua hàng ứng trước, trong khi các ngân hàng đã hoàn toàn không cho vay. Bản thân doanh nghiệp đề xuất phương án khoanh nợ và bán nhà máy trả nợ nhưng không ngân hàng nào chấp thuận. Đáng lo ngại, Tập đoàn đã dốc vào dự án trên 6.000 tỷ đồng, nên nếu không có phương án kịp thời thì doanh nghiệp phá sản kéo theo nhiều hệ lụy như Tập đoàn mất vốn, thậm chí "sụp đổ".

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, Vinachem kiến nghị các cơ quan hữu quan đẩy nhanh việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với Công ty mẹ Vinachem và 2 đơn vị thành viên theo Đề án.

Riêng đối với 3 dự án thua lỗ, đại diện Tập đoàn vẫn đề xuất kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng. Cụ thể, kéo dài thành 20 năm đối với các khoản vay của VDB, đến hết năm 2028 thu nợ gốc trước, thu lãi sau và không tính lãi quá hạn, đồng thời điều chỉnh lãi suất tiền vay từ 3 - 8,55%/năm theo từng giai đoạn. Đối với các khoản vay ngân hàng thương mại, gia hạn thời hạn vay và giảm lãi suất, tiếp tục được vay vốn lưu động để đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Thu Hoài

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.