|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời khuyên đầu tư từ sếp quản lý quỹ, công ty niêm yết trong khủng khoảng Evergrande: NĐT chọn doanh nghiệp tốt thay vì đoán VN-Index

14:12 | 29/09/2021
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc SGI Capital tại Talkshow Phố Tài chính, nhà đầu tư nên dành thời gian sàng lọc những doanh nghiệp tốt hơn thị trường thay vì lo ngại về xu hướng của Index. Vị CEO này cũng cho rằng chứng khoán Việt Nam có đủ hai yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nửa cuối tháng 9, thị trường chứng khoán Viêt Nam bị tác động bởi diễn biến của chứng khoán toàn cầu. Nguyên nhân đến từ thông tin China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc lâm vào khủng hoảng với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. 

Mặc dù giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã có những phương án dự trù cho tình huống xấu, nhà đầu tư lo ngại sẽ có một vụ đổ vỡ dây chuyền thứ hai như cách tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ - Lehman Brothers gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Trước diễn biến này, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc quỹ đầu tư SGI Capital và ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập Đoàn KIDO đã có những chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính do VTV8 phát sóng ngày 27/9.

Sự kiện China Evergrande không giống với Lehman Brothers, phản ứng thị trường chỉ là yếu tố tâm lý

Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong các cơn khủng hoảng như vụ Evergrande  - Ảnh 1.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital. (Nguồn: Vietstock).

Theo ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc quỹ đầu tư SGI Capital, chỉ số của thị trường chứng khoán Trung Quốc trên sàn Thượng Hải (Shanghai Composite) chỉ giảm hơn 2% trong tuần qua. Lũy kế từ đầu tháng, chỉ số này đã tăng hơn 6% và tăng 10% kể từ đầu năm. 

Trái lại, cổ phiếu của Evergrande đã đánh mất 90% giá trị trong một năm. Điều này chứng minh Evergrande chỉ là câu chuyện riêng, có lẽ nhà đầu tư Việt Nam đã lo lắng hơi quá xa về những hiệu ứng tâm lý hơn là yếu tố thực chất.

Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong các cơn khủng hoảng như vụ Evergrande  - Ảnh 2.

Cổ phiếu của Evergrande giảm mạnh kể từ đầu năm. (Nguồn: Reuters).

Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập Đoàn KIDO cho rằng việc các chỉ số thị trường thế giới giảm đã tạo hiệu ứng tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư Việt Nam. Tuy vậy, diễn biến dòng vốn mới là yếu tố quyết định việc thị trường sẽ đi lên hay xuống. 

Theo dõi trong năm 2021, dòng vốn ngoại đã liên tục rút ròng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên lực bán này đã được hấp thự phần lớn bởi các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư F0. Dòng vốn FDI cũng chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường Việt Nam mà đang chờ đợi tính ổn định của các chính sách khống chế dịch bệnh. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với sự kiện China Evergrande.  

Theo ông Phúc, việc so sánh khủng hoảng của Evergrande với sự sụp đổ của Lehman Brothers là một mối lo quá xa. Sự sụp đổ của Lehman Brother khiến các bên liên quan trong cuộc gồm Ngân hàng Trung ương, Chính phủ và các định chế với sản phẩm tài chính tương tự hoàn toàn bất ngờ.

Còn đối với Evergrande, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của doanh nghiệp kể từ năm 2019. Tập đoàn đã nhận được những cảnh báo từ Chính phủ, nhưng đã không thành công trong hạ tỷ lệ đòn bẩy xuống theo quy định. 

Thậm chí doanh nghiệp này còn mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như đầu tư xe điện (khoảng 5 tỷ USD). Đó là sai lầm nhãn tiền của Evergrande. Bản thân Chính phủ Trung Quốc đã theo dõi các động thái trên và có những kế hoạch dự phòng để tái cấu trúc sự kiện này.

Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong các cơn khủng hoảng như vụ Evergrande  - Ảnh 3.

Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc KDC. (Nguồn: KDC).

Vấn đề cốt lõi của các doanh nghiệp đa ngành dựa trên 3 yếu tố chính: nguồn lực, đội ngũ vận hành và chiến lược quản tri rủi ro đa ngành. Mô hình kinh doanh đa ngành yêu cầu năng lực quản trị rủi ro trong từng lĩnh vực đó trước áp lực dòng tiền trong giai đoạn đầu, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro cao do dịch COVID-19 trên toàn thế giới. 

Đây là sự kiện nhiều năm mới xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe tài chính của rất nhiều doanh nghiệp. Sẽ có những doanh nghiệp bị đào thải khỏi cuộc đua, còn những công ty quản trị tốt với sức chống đỡ tốt sẽ tận dụng cơ hội này để vươn lên.

Trước lo lắng về khả năng xảy ra sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống do sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp, cá nhân ông Phúc cho rằng điều đó có xác xuất rất thấp. Các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đều nhận thức rõ về rủi ro hệ thống đang ở mức vô cùng cao. Các chính sách đã, đang và có thể được sử dụng đều nhằm mục đích phòng thủ trước những rủi ro hệ thống đó. 

Thị trường Việt Nam đang có sẵn các yếu tố cần cho giai đoạn bứt phá

Trở lại câu chuyện mối lo Evergrande và chứng khoán, thời điểm hiện tại, thị trường chỉ có thể bứt phá với động lực từ tăng trưởng nội tại của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp đi kèm nền lãi suất thị trường thấp. Đây là hai yếu tố sẵn có trong giai đoạn hiện tại của thị trường Việt Nam, đặc biệt khi nước ta đang bắt đầu mở cửa và phục hồi kinh tế.

Việc đầu tư vào chứng khoán là tin tưởng và kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong tương lai. Chính vì vậy thay vì dự đoán xu hướng của Index, ông Phúc khuyến nghị nhà đầu tư dành thời gian lựa chọn, sàng lọc những doanh nghiệp tốt hơn thị trường chung dựa trên những yếu tố cốt lõi nhất như khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới.

Đồng tình với quan điểm trên, vị Phó Tổng giám đốc KIDO cho rằng nhà đầu tư cần xây dựng một danh mục đầu tư và xác đinh mức độ rủi ro có thể chấp nhận dc, từ đó đi tìm những ngành sẽ phát triển mạnh trong 6 tháng cuối năm. Sự tăng trưởng của cổ phiếu về cơ bản đến từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Nếu chỉ "đu bám" theo những cổ phiếu tăng nóng, nhà đầu tư sẽ không lường được sự sụt giảm của chúng.

Thảo Bùi