|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Logistics, sản xuất ô tô và phụ tùng thuộc những ngành ưu tiên giai đoạn 2016 - 2020

09:28 | 23/08/2016
Chia sẻ
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 liệt kê 6 ngành dịch vụ và 13 ngành công nghiệp ưu tiên, xác định và hỗ trợ thực hiện thực tế ít nhất 400 dự án đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp tại các ngành ưu tiên.

Mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 xác định tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (và/hoặc giá trị xuất khẩu) và việc làm của các ngành trọng điểm tăng nhanh hơn ít nhất 30% so với tốc độ tăng tương ứng giai đoạn 2011 – 1015.

Đề án cũng xác định và hỗ trợ thực hiện trên thực tế ít nhất 400 dự án đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp tại các ngành ưu tiên. Căn cứ quy định tại văn bản đã được ban hành, các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển trong giai đoạn này gồm các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao (cà phê, chè, cao su, ca cao, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn, lợn, tôm, lúa gạo,.v.v…); 6 ngành dịch vụ ưu tiên và 13 ngành công nghiệp ưu tiên.

6 ngành dịch vụ ưu tiên gồm Dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối,.v.v..); dịch vụ phát triển kinh doanh; dịch vụ du lịch; dịch vụ tài chính ngân hàng; dịch vụ giáo dục bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp.

13 ngành công nghiệp ưu tiên gồm Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa – cao su kĩ thuật; sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu; luyện kim; thép chế tạo và hóa dược.

Đề án nêu rõ cần đổi mới phương thức tái cơ cấu các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển, bao gồm các đổi mới chính như các doanh nghiệp, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế. Tái cơ cấu nền kinh tế phải dựa trên các quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp dưới sức ép cạnh tranh của thị trường trong nước và quốc tế.

Việc lựa chọn các dự án tái cơ cấu ưu tiên được các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành, với sự tư vấn và giám sát của Hội đồng tư vấn tái cơ cấu kinh tế quốc gia.

Việc lựa chọn và công bố dự án được tiến hành công khai và dựa trên các tiêu chí như (1) Thuộc các ngành ưu tiên phát triển quy định tại Kế hoạch này; (2) Tính khả thi của dự án, ưu tiên dự án đã xác định rõ chủ đầu tư; (3) Đóng góp vào Tổng thu nhập quốc dân (GNI); (4) Đóng góp giảm thâm hụt ngân sách nhà nước; (5) Mức độ yêu cầu đầu tư hỗ trợ hạ tầng (vốn đầu tư của Nhà nước không vượt quá 10% tổng đầu tư của dự án)...

Các dự án tái cơ cấu ưu tiên sẽ được những sự hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng; Được đề xuất các sáng kiến và yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính; Được hưởng các biện pháp khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất trong khuôn khổ luật pháp hiện hành; Đặc biệt đuợc xem xét tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Khổng Chiêm