|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt ông lớn BĐS đổ về Thanh Hóa, hàng nghìn giao dịch thành công

14:09 | 26/02/2021
Chia sẻ
Trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã và đang chuyển hướng đầu tư về các địa phương có tiềm năng khác.
Thị trường BĐS Thanh Hóa sôi động: Loạt ông lớn đổ về, hàng nghìn giao dịch thành công - Ảnh 1.

Thanh Hóa đang trở thành đích ngắm của nhiều doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), những tỉnh thành đang được xem là vẫn còn sôi động và vẫn thu hút các nhà đầu tư tìm đến để hoạt động kinh doanh hiện nay gồm: TP HCM, một số khu vực của Hà Nội, Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,...

Đây là những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch đã có chủ trương phát triển phù hợp, đúng hướng và đã được đầu tư phát triển hạ tầng để khai thác hiệu quả lợi thế địa phương.

Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch,...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hoá trong năm 2020 ước đạt 6,08% cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,3%. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 29.000 tỷ đồng.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn trên, thị trường bất động sản phát Thanh Hóa đang được đánh giá có nhiều lợi thế và ghi nhận sự phát triển sôi động hơn. Trong khi đó, giá đất tại địa phương này có biên độ tăng giá cao và hiện vẫn còn biên độ tăng giá mạnh là bởi mặt bằng giá đang ở mức trung bình, chưa cao như các thành phố khác.

Theo đánh giá của VARs, Thanh Hóa hiện có chính sách thu hút đầu tư rất hiệu quả. Những thương hiệu bất động sản lớn như: Vingroup, FLC, Sun Group, Eurowindow, BRG, TNG,... gần như quy tụ đầy đủ về vùng đất này đã tạo diện mạo đô thị mới và thị trường bất động sản thực sự sôi động. Trong năm 2020 mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn có hàng nghìn giao dịch thành công ở mỗi địa phương.

Nhiều ông lớn đổ bộ

Mặc dù là thị trường đi sau nhưng Thanh Hóa được đánh giá là một trong những số ít thị trường phát triển sôi động nhất cả nước trong năm 2019. Thời điểm này, Thanh Hóa xuất hiện rất nhiều dự án mới, trong đó có rất nhiều các dự án đấu giá đất nền. Các dự án này ra đến đâu hết hàng đến đấy, tỷ lệ hấp thụ cao (khoảng 70%).

Đến nay, bức tranh thị trường bất động sản Thanh Hóa ngày càng sôi động hơn nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. 

Đơn cử, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu (Ashico) và các đối tác về Dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 6 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Cụ thể, Ashico và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết đang mong muốn thực hiện đầu tư dự án trên với quy mô khoảng 395 ha, bao gồm 370 ha đất công nghiệp thuộc Khu công nghiệp số 6 - Khu Kinh tế Nghi Sơn và 25 ha đất cảng, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Giữa tháng 1/2020, Tập đoàn Foxconn Việt Nam đã đến Thanh Hóa để hảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh này. Theo đó, Tập đoàn khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

Sau đó, tỉnh Thanh Hoá đã giới thiệu 7 KCN trên địa bàn để Tập đoàn Foxconn Việt Nam tìm hiểu đầu tư. Đó là KCN đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương; KCN Giang - Quang - Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN số 6 và số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống.

Tháng 12/2020, tỉnh Thanh Hóa và Công Ty TNHH AEON Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall. Dự án có tổng vốn đầu tư là 190 triệu USD (tương đương khoảng 4.400 tỷ đồng).

Cũng trong tháng này, Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) về đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hai dự án mà doanh nghiệp Thái Lan sẽ đầu tư vào Thanh Hoá gồm dự án 1 là đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 21 quy mô 539 ha, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn.

Dự án 2 là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800 ha tại huyện Hoằng Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư cả hai dự án khoảng 335 triệu USD.

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư diễn ra hồi tháng 6/2020, tỉnh Thanh Hóa đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư của 19 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng.

Nhiều quy hoạch lớn được duyệt

Song song với đó, thời gian gần đây, loạt dự án lớn tại Thanh Hóa cũng liên tiếp được phê duyệt quy hoạch.

Đơn cử, UBND tỉnh này vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Phân khu B - Khu đô thị du lịch Nam Sầm Sơn, TP Sầm Sơn quy mô 677 ha.

Cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Phân khu D - Khu đô thị du lịch sông Đơ, TP Sầm Sơn quy mô 344 ha.

Nguồn vốn lập quy hoạch hai phân khu trên do CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) tài trợ theo cam kết.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh. Dự án do Sun Group có tổng diện tích lập quy hoạch hơn 1.492 ha.

Cũng trong tháng 2/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị sinh thái, khu du lịch ven sông Mã (TP Sầm Sơn) của Tập đoàn FLC. Dự có diện tích lập quy hoạch khoảng 117,3 ha; quy mô dân số dự kiến khoảng 6.735 người.

Tháng 1/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa. Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 432,5 ha; dự kiến quy mô dân số khoảng 20.000 người. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là CTCP Tập đoàn Flamingo.

Hay hồi tháng 9/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị dọc đại lộ Nam Sông Mã quy mô 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng,...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.