|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những địa điểm nào tại Thanh Hoá sẽ được Foxconn chọn làm đại bản doanh?

15:27 | 20/02/2021
Chia sẻ
Trong buổi làm việc đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hoá đã giới thiệu cho Foxconn 7 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn để đầu tư.

Đầu năm 2021, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tập đoàn Foxconn Việt Nam do Tổng Giám đốc Zhuo Xiam Hong làm trưởng đoàn đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại địa phương này.

Foxconn là tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử và đứng thứ 27/500 tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Năm 2020, tổng doanh thu của Foxconn hơn 210 tỷ USD, trong đó doanh thu của Foxconn Việt Nam là 6 tỷ USD, dự kiến năm 2021 đạt hơn 10 tỷ USD. Để đạt doanh thu 40 tỷ USD trong 3 đến 5 năm tới, tập đoàn này đang tìm hiểu để đầu tư thêm dự án ở Việt Nam.

Mục tiêu của Foxconn là tìm kiếm địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

Do đó, trong buổi làm việc tỉnh Thanh Hoá đã giới thiệu 7 KCN trên địa bàn để Tập đoàn Foxconn Việt Nam tìm hiểu đầu tư. Đó là KCN đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương; KCN Giang - Quang - Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN số 6 và số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống.

Ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hoá đã lựa chọn 7 KCN có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của Foxconn.

"Tỉnh cam kết sẽ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho Tập đoàn thực hiện dự án. Đồng thời, cũng cam kết đầu tư xây dựng, kết nối đường giao thông, thông tin, nước đến chân hàng rào dự án", ông Tuấn nói.

Về phía mình, ông Zhuo Xiam Hong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn Việt Nam bày tỏ khá ấn tượng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là việc phát triển hạ tầng, cơ sở đào tạo của tỉnh Thanh Hóa và cho thấy tập đoàn sẽ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây.

Thanh Hoá đang trong thời kỳ dân số vàng với 2,5 triệu lao động, trong đó 67% lao động đã qua đào tạo.

Ngoài ra, tỉnh này còn sở hữu Cảng nước sâu Nghi Sơn, cho khả năng khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT; Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với Lào.

Khu kinh tế Nghi Sơn tại Thanh Hoá có quy mô 106.000 ha, là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt. Nơi đây đang dần trở thành trung tâm công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản của khu vực Bắc Trung Bộ với các nhà máy lọc hóa dầu, xi măng, luyện cán thép, sản xuất dầu ăn… và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động khác.

Đồng thời, Nghi Sơn cũng là trung tâm năng lượng với 3 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 2.400 MW và đang chuẩn bị đầu tư nhà máy điện khí và khí hóa lỏng.

Thiên Trường