Loạt mô hình điểm bán hàng không thu ngân trên thế giới
7-Eleven
Đầu tháng 2/2020, 7-Eleven thông báo họ sẽ thử nghiệm cửa hàng không thu ngân đầu tiên. Cửa hàng sẽ đặt tại thành phố Irving, bang Texas, ngay gần trụ sở chính của công ty. Cửa hàng thử nghiệm của 7-Eleven chỉ phục vụ nhân viên công ty, trước khi phục vụ công chúng.
Khách hàng sẽ thanh toán qua một ứng dụng di động. Đội kĩ thuật của công ty đã cá nhân hóa việc mua sắm của khách hàng theo thói quen, lịch sử mua sắm của từng người. Khách hàng sẽ nhận hóa đơn khi ra khỏi cửa.
Theo Phó chủ tịch cấp cao Mani Suri của 7-Eleven, các nhân viên sẽ trung thực và vô tư phản hồi, góp ý với công ty về trải nghiệm của họ để7-Eleven sẽ điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu người dùng trong tương lai.
Tesco
Tesco đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm và trở thành một trong những công ty truyền thống lâu đời nhất tại Anh. Hiện tại, Tesco đang là một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới với 6.800 siêu thị, cửa hàng.
Tháng 6/2019, Tesco đã triển khai mô hình siêu thị không thu ngân đầu tiên Siêu thị không thu ngân sẽ gắn 150 camera gắn trần để thu về hình ảnh chân thực nhất từ các góc cạnh khác nhau.
Điểm đáng chú ý trong công nghệ của Tesco là hệ thống camera có thể nhận diện nhiều loại sản phẩm khi khách hàng giơ ra trước màn hình và tính toán được giá cả cuối cùng.
Walmart
Năm 2018, Walmart triển khai Sam's Club Now - một siêu thị bán hàng không cần thu ngân tại Dallas, Texas. Đây là điểm bán hàng đầu tiên của Walmart hoàn toàn tự động.
Sam's Club Now có diện tích gần 30.000 mét vuông (chỉ bằng một phần tư các cửa hàng Sam's Club khác) và có 700 camera để quan sát.
Khách mua hàng sẽ dùng ứng dụng thông minh để quét mã thanh toán thay cho việc trả tiền tại quầy như trước. Tuy nhiên tại Sam's Club Now, vẫn có một nhân viên đứng ở cửa để rà soát lại lần cuối các mặt hàng trong giỏ trước khi khách rời đi.
JD.com
Là một tập đoàn thương mại điện tử, JD.com từng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống bằng cách mở chuỗi cửa hàng bán lẻ tự động không thu ngân tại Trung Quốc. Tính cho tới cuối năm 2017, JD.com sở hữu khoảng 200 cửa hàng tự động.
Tuy nhiên, tới năm 2018, tình hình có vẻ xấu hơn khi nhiều cửa hàng tự động không người bán của JD.com phải ngừng hoạt động. Một số cửa hàng thậm chí đã phá sản.
Tới tháng 12/2018, JD.com buộc phải tuyên bố ngừng vận hành các cửa hàng không người bán. Chỉ 6 tháng trước khi đưa ra quyết định này, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc từng tuyên bố sẽ có kế hoạch mở 5.000 điểm bán hàng tự động.
Amazon
Cửa hàng bán lẻ không thu ngân của Amazon với tên gọi Amazon Go vừa ra mắt công chúng vào ngày 25/2. Dù mới ra mắt công chúng nhưng Amazon Go đã vận hành thử nghiệm từ năm 2016 cho các nhân viên của Amazon.
Cửa hàng bán khoảng 5.000 mặt hàng khác nhau, chủ yếu gồm sản phẩm tươi sống, hải sản đóng gói, thịt, bánh ngọt, đồ gia dụng và nước giải khát. Mặt hàng tại Amazon Go có thể nhập từ các đơn vị khác hoặc sản xuất từ chính các thương hiệu trực thuộc như Happy Belly.
Theo dự báo, doanh thu từ Amazon Go của Amazon có thể đạt 639 triệu USD ngay trong năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng Amazon Go có thể sẽ chưa có lãi ngay. Hiện tại, thị trường bán lẻ tạp hóa của Mỹ được định giá 800 tỉ USD.