Loạt giải pháp để một thương hiệu pizza ở Hà Nội tăng doanh thu sau dịch COVID-19
Mới đây, Hoàng Tùng, người sáng lập thương hiệu Pizza Home, ở Hà Nội, đã chia sẻ những bí quyết để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình tài chính của chuỗi.
Tùy biến sản phẩm và tiếp thị theo sự thay đổi hành vi của khách hàng
Vị giám đốc 8X nói rằng, trước dịch, hành vi tiêu dùng của khách hàng bao gồm ăn tại quán, đến quán lấy bánh để ăn ở nhà (take-out), đặt bánh rồi nhận sản phẩm ở nhà.
Khi dịch bùng phát, khách hàng hạn chế ra khỏi nhà khiến hành vi ăn tại nhà hàng và đến nhà hàng để lấy bánh đều giảm. Vì thế, Pizza Home triển khai chiến dịch khuyến mãi tập trung vào hành vi người mua nhận bánh ở nhà - ví dụ như miễn phí giao bánh, combo cho gia đình.
Rồi khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, hành vi đặt bánh rồi nhận ở nhà cũng giảm, vì nhu cầu tự chế biến món của khách hàng tăng đẻ tiết kiệm tiền. Khi đó, Hoàng Tùng nảy ra ý tưởng biến bánh pizza thành sản phẩm thiết yếu như mì tôm.
"Chúng tôi thiết kế bánh pizza đông lạnh để khách hàng mua rồi tự nướng bánh ở nhà", anh nói.
Hành vi tiêu dùng tiếp tục thay đổi khi lệnh cách li xã hội có hiệu lực. Vì ở nhà nhiều hơn, khách hàng có nhu cầu tìm niềm vui trong hoạt động nấu món.
"Hiểu nhu cầu ấy, chúng tôi tạo ra combo gồm đế bánh, phô-mai, sốt cà chua, nguyên liệu để mọi người có thể tự làm bánh với người thân ở nhà", Tùng nói.
Mọi sản phẩm mà Pizza Home bán trong đợt dịch COVID-19 đều đã tồn tại từ lâu. Nhưng khi dịch bùng phát, Tùng đã căn cứ vào sự thay đổi hành vi tiêu dùng để đẩy mạnh tiếp thị vào những nhóm sản phẩm tạo ra hiệu quả cao nhất.
Đẩy mạnh sáng tạo và tiếp thị trong khủng hoảng
Trong dịch, giảm bớt mọi thứ - từ nhân sự tới sản phẩm - là giải pháp phổ biến để tiết kiệm chi phí. Nhưng Tùng cho rằng nếu doanh nghiệp có cơ hội tạo ra sản phẩm thú vị, có khả năng điều hướng khách hàng, họ nên mạnh dạn đẩy mạnh tiếp thị với các sản phẩm mới.
"Quan điểm của tôi là người làm kinh doanh nên duy trì hai hoạt động sáng tạo và tiếp thị trong khủng hoàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên chỉ đẩy mạnh tiếp thị, mà nên đẩy mạnh tiếp thị dựa trên những sản phẩm, dịch vụ mà họ đã cải tiến", Tùng nói.
Câu chuyện làm bánh Pizza thanh long của Pizza Home. Video: VTC14
Đó là lí do Pizza Home ra các sản phẩm như Pizza Thanh Long, Bánh mỳ Hoa cúc Sầu riêng, Pizza Dưa hấu, Cookie Corona, Bánh kẹp thịt Corona. Không phải sản phẩm nào cũng đạt hiệu quả về truyền thông, thậm chí vài sản phẩm thất bại, nhưng Tùng thấy chúng là thất bại cần thiết để tìm ra những sản phẩm hiệu quả.
"Và khi có sản phẩm hiệu quả, người bán sẽ có lợi thế lớn vì bạn sẽ không phải đối mặt cạnh tranh về giá, hưởng miễn phí sự quan tâm của giới truyền thông và độ phủ về thương hiệu lớn với luồng doanh số mới từ tệp sản phẩm mới", Tùng lập luận.
Nỗ lực đẩy doanh số từ cấp cao nhất
Ông chủ Pizza Home nhận định rằng trong điều kiện bình thường, có thể cấp lãnh đạo lùi về hậu trường để lo các hoạt động định hướng, đào tạo, đối ngoại. Nhưng trong giai đoạn khó khăn, đội ngũ lãnh đạo cần tích cực tham gia thúc đẩy doanh số.
"Bản thân tôi hiếm khi đăng sản phẩm lên Facebook cá nhân để bán hàng, nhưng khi đại dịch xảy ra, tôi thấy đăng các sản phẩm lên Facebook để bán hàng là việc cần thiết. Công ty cần mọi nguồn lực để tăng doanh số. Mọi nỗ lực góp sức, dù rất nhỏ, đều đáng quí. Hơn nữa, người lãnh đạo cần phải làm gương về nỗ lực tăng doanh số, chứ không nên nói suông", Tùng nói.
Mấy hôm trước, giới truyền thông đưa tin nữ tổng giám đốc của một hãng thời trang rất lớn ở Trung Quốc đã livestream để bán sản phẩm trên trang thương mại điện tử và bà đã thu về hơn 10 triệu nhân dân tệ.
"Nhà lãnh đạo tập đoàn lớn còn xông phá như vậy, chẳng có lí do gì chủ những doanh nghiệp nhỏ không noi gương", Tùng nhấn mạnh.