|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt dự án chậm tiến độ nhiều năm tại Đồng Nai gọi tên Amata

16:10 | 07/03/2021
Chia sẻ
Trong số 1.900 dự án có kế hoạch triển khai năm 2021 của Đồng Nai, chỉ có 250 dự án triển khai mới, còn lại đều là các dự án chuyển tiếp từ những năm trước.
Loạt dự án chậm tiến độ nhiều năm tại Đồng Nai gọi tên Amata - Ảnh 1.

Khu công nghiệp Amata. (Ảnh: Pháp luật TP HCM).

Theo kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, năm 2021, Đồng Nai triển khai 1.900 dự án với tổng diện tích khoảng 26.000 ha. Trong đó, dự án có cả 4 cấp, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Hiện có 2/3 số dự án đang được thực hiện. Báo Đồng Nai cho biết.

Trong số các dự án có kế hoạch triển khai trong năm 2021, chỉ có 250 dự án mới, còn lại đều là các dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua. 

Nhiều dự án kéo dài 5 - 10 năm chưa hoàn thành, đơn cử như Đường ven sông Cái; Đường ven sông Đồng Nai; Hương lộ 2; Đường trục trung tâm TP Biên Hòa; dự án Chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Biên Hòa; Khu du lịch Sơn Tiên (TP Biên Hòa);...

Tại các huyện cũng có nhiều dự án chuyển tiếp nhiều năm, như dự án Cấp nước sạch cho ba xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định; Hồ Cà Ròn (Định Quán); Đường liên cảng Phước An (Nhơn Trạch); hàng chục cụm công nghiệp ở các địa phương chưa đầu tư xong hạ tầng; Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành; Khu đô thị Amata (Long Thành); KCN Cẩm Mỹ (Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (Thống Nhất),... 

Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư nằm ở các huyện, thành phố; các dự án đầu tư công, dự án của các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước. 

Theo các chủ đầu tư đã và đang thực hiện dự án ở Đồng Nai, bình quân một dự án nếu thuận lợi về khâu thủ tục cần khoảng 2 - 3 năm mới hoàn thành, nếu phải thu hồi đất mất thêm 2 - 3 năm nữa. Như vậy, một dự án muốn thực hiện xong cần 5 - 6 năm. 

Dự án kéo dài 8 - 10 năm cũng không ít, bởi trong quá trình thực hiện các thủ tục, nếu quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng không phù hợp thì sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh, hoặc do đơn vị tư vấn yếu dẫn đến công trình khi khởi công phải điều chỉnh, hay do khi bồi thường giải phóng mặt bằng người dân không đồng thuận về giá... Có những dự án chỉ vướng một vài hộ dân chưa đồng tình giao đất nên không thể khởi công.

Đại diện Tập đoàn Amata Việt Nam cho biết, doanh nghiệp được cấp phép đầu tư hạ tầng KCN công nghệ cao Long Thành từ năm 2016, dự kiến hai năm sau có thể hoàn thành giai đoạn 1, cho thuê xây dựng nhà xưởng và đưa vào sản xuất. 

Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm, dự án chưa hoàn thành hạ tầng để cho thuê đất vì vướng thủ tục hồ sơ và bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Dự án KCN công nghệ cao Long Thành có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu USD, diện tích sử dụng đất hơn 400 ha, được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành.

Tương tự, hai dự án khu đô thị Amata tại Long Thành cũng được cấp phép đầu tư đầu năm 2016, đến nay cũng mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị Amata Long Thành thuộc khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành tại xã Tam An, có diện tích nghiên cứu quy hoạch hơn 753 ha, quy mô dân số 55.000 - 65.000 người.

Tập đoàn Amata được thành lập năm 1989 và có trụ sở chính tại Bangkok (Thái Lan), là nhà phát triển khu công nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Tập đoàn này, chính thức niêm yết trên Sở GDCK Thái Lan (SET) từ năm 1997.

Đây cũng là tập đoàn niêm yết lớn nhất của Thái Lan trong lĩnh vực bất động khu công nghiệp. Doanh nghiệp này tham gia vào thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam từ năm 1994 với khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai, diện tích 700 ha.

Sau dự án này, Amata xin đầu tư dự án thứ hai là Amata City Long Thành với diện tích 1.265 ha gồm khu công nghệ cao, khu dịch vụ, đại đô thị.

Tại Đồng Nai, Amata đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 3 dự án gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành có qui mô 410 ha, vốn đầu tư 282 triệu USD; Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1, diện tích hơn 5,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu USD; TP Amata Long Thành với tổng vốn đăng ký 309 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 753,1 ha.

Hoàng Huy