Loạt chuyên gia máu mặt trên Phố Wall: Đừng trông chờ gì vào 2022
Omicron. Vladimir Putin. Chiến tranh. Giá dầu. Jerome Powell. Lãi suất. Fed thắt chặt chính sách. Chuỗi cung ứng. Tiền Lương. Lạm phát.
Cộng tất cả lại với nhau và bạn đã hiểu được lý do phe gấu ngày càng lớn tiếng và táo bạo hơn với tuyên bố 2022 sẽ không có chút gì giống với 2021. Năm ngoái, chỉ số S&P 500 tạo ra tỷ suất sinh lời 27,8%. Trong khi đó, một số tên tuổi lớn ở Phố Wall đang nói rằng thị trường năm nay lãi vài % là may lắm rồi, tờ Fortune cho biết.
BofA Securities giữ nguyên dự báo cuối năm S&P 500 đạt 4.600 điểm, tương đương mức tăng 5,6% so với phiên vừa rồi. Giám đốc đầu tư Lisa Shalett của Morgan Stanley còn tiêu cực hơn.
"Kịch bản chính cho cuối năm của chúng tôi vẫn là chỉ số S&P 500 ở mức 4.400 điểm, bằng với đóng cửa cuối tuần trước", bà viết trong lưu ý tới nhà đầu tư. Lời khuyên của bà: Phòng thủ. Hãy chuyển cổ phiếu sang "tiền mặt để dành cho các cơ hội sau này".
Ông Mike Wilson, đồng nghiệp của bà Lisa tại Morgan Stanley cảnh báo: "Mùa đông đang đến" với thị trường trong bối cảnh sự kết hợp của loạt yếu tố vĩ mô – từ tăng trưởng bấp bênh cho đến kích thích tiền tệ bốc hơi khỏi nền kinh tế - vùi dập tài sản rủi ro.
Sự không chắc chắn này đã làm khuynh đảo thị trường chứng khoán Mỹ hai ngày qua. Trong cả hai phiên Dow Jones đều giảm sâu hơn 800 điểm rồi lại đảo chiều ngoạn mục nhờ phe bắt đáy. Ông Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu của Deutsche Bank nhận xét: "Trong phiên giao dịch đầu tuần tôi cảm thấy như mình đang ở trong một cuộc khủng hoảng toàn diện chứ suy thoái còn chẳng nhằm nhò gì".
Không chỉ chứng khoán mà tiền mã hóa cũng đang quay cuồng. Ngày 24/1, bitcoin có lúc rớt xuống dưới 33.000 USD, mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Các đồng tiền mã hóa và cổ phiếu tăng trưởng giao dịch dưới đường MA 200 đủ để viết ra một danh sách dài. Đặc biệt cổ phiếu meme đang bị đè bẹp trong tháng này.
Điều khiến một số nhà quan sát thị trường lo lắng là chứng khoán Mỹ đi xuống bất chấp khởi đầu khá tốt của mùa báo cáo kết quả kinh doanh. BofA Securities chỉ ra rằng hơn một nửa trong số 64 công ty công bố báo cáo trong tháng này đã đánh bại kỳ vọng về doanh thu và EPS.
Bóng đen phủ lên những báo cáo đẹp đẽ: Doanh nghiệp đưa ra dự báo lợi nhuận tương lai thấp hơn những gì giới chuyên gia nghĩ. Và trong những dự đoán đó, Omicron thường xuyên được nhắc đến.
Ông Savita Subramanian, chuyên gia tại BofA Securities cho biết: "Omicron không chỉ gây tác động xấu đến doanh thu. Doanh nghiệp chỉ ra tình hình nhân công và chuỗi cung ứng xấu đi do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến – lao động nghỉ ốm, thiếu tài xế xe tải – khiến hạn chế nguồn cung và áp lực lạm phát càng tăng".
Mọi cặp mắt đổ dồn vào Fed
Trong tuần này có hơn 20% số công ty thuộc S&P 500 công bố báo cáo quý IV. Nhưng điều khiến nhà đầu tư chú ý hơn cả là cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang trong hai ngày 25-26/1. Với 3-4 đợt tăng lãi suất đã được phản ánh vào giá thị trường, nhà đầu tư sẽ nuốt lấy từng lời của Chủ tịch Jerome Powell.
Cho đến nay, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang quanh quẩn dưới 1,8%. Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng lợi suất 10 năm sẽ leo lên mốc 2% vào cuối năm, gia tăng thêm áp lực lên các cổ phiếu tăng trưởng làm ăn thua lỗ. Rất nhiều trong số các công ty này bật tăng mạnh trong nửa cuối 2020.
Dự báo lãi suất gia tăng thúc đẩy một số chuyên gia kêu gọi nhà đầu tư xem xét trái phiếu. Ông Lawrence Gillum, chuyên gia chứng khoán thu nhập cố định tại LPL Financial viết trong lưu ý gửi khách hàng: "Khi kết hợp với cổ phiếu, trái phiếu giúp giảm biến động của toàn danh mục, tạo ra trải nghiệm đầu tư suôn sẻ hơn".
Dĩ nhiên đây không phải công thức để tạo ra lợi nhuận chói mắt, mà là chiến lược đáng tin cậy để vượt qua giai đoạn gập ghềnh của tài sản rủi ro.