|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lo dịch tái bùng phát, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất ba tháng, Dow Jones mất gần 1.900 điểm

06:16 | 12/06/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 11/6 cắm đầu lao dốc khi nhà đầu tư lo ngại về việc số ca nhiễm COVID-19 mới tăng nhanh tại một số bang vừa mở cửa kinh tế trở lại. Những cổ phiếu hồi phục mạnh trong vài tuần qua cũng là nhóm giảm sâu nhất phiên 11/6.
Lo dịch tái bùng phát, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất ba tháng, Dow Jones mất gần 1.900 điểm - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc giữa lo ngại về dịch COVID-19 tái bùng phát. Ảnh minh họa: AP.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 1.862 điểm, tương đương 6,9%, xuống còn 25.128 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 5,9%, kết phiên ở 3.002 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,3% và đóng cửa ở 9.493 điểm.

Đây là phiên tồi tệ nhất của cả ba chỉ số chính kể từ ngày 16/3, trong phiên đó Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều sụt hơn 11%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ ba phiên liên tiếp.

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu hàng không, du thuyền, bán lẻ sau khi dồn tiền vào những ngành này trong mấy tuần qua với hi vọng nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.

Trong phiên 11/6, United Airlines, Delta, American và Southwest Airlines đều mất hơn 11%. Carnival và Norwegian Cruise Line cùng giảm trên 15%. Gap và Kohl's giảm lần lượt 8,1% và 11,2%.

Lo dịch tái bùng phát, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất ba tháng, Dow Jones mất gần 1.900 điểm - Ảnh 2.

Nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát ngày càng hiện hữu khi các bang của Mỹ đẩy mạnh hoạt động kinh tế sau thời gian phong tỏa.

Bang Texas ghi nhận số ca nhập viện vì COVID-19 cao kỉ lục trong ba ngày liên tiếp. California cũng có tới 9 hạt báo cáo số ca nhiễm hoặc nhập viện do nghi nhiễm cao đột biến.

Trao đổi với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định "Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa".

Ông Dennis DeBusschere – Chuyên viên nghiên cứu vĩ mô tại công ty tư vấn Evercore ISI cho rằng chính sách tiền tệ hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng không thể "bù đắp được tác động của một đợt tái bùng phát nghiêm trọng".

"Số ca nhiễm mới và nhập viện tại Texas, Arizona, California tăng nhanh và các nhà đầu tư lo ngại các cuộc biểu tình gần đây sẽ thổi bùng lên một đợt lây nhiễm khác. Do vậy, rủi ro nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu kéo dài ngày càng lớn. Ước tính giá trị hợp lí của chỉ số S&P 500 cũng vì thế mà đang lao dốc".

Trao đổi với CNBC, cựu Cục trưởng Cục Quản lí Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho biết các bang như Arizona và Texas "chưa bao giờ dập tắt hoàn toàn được đợt bùng phát dịch đầu tiên" và do vậy "đây không phải là bùng phát đợt hai".

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện nay đã ghi nhận hơn 2 triệu ca dương tính và 113.600 ca tử vong vì COVID-19, dẫn đầu thế giới về cả hai tiêu chí.

Ngoài bán tháo cổ phiếu, nhà đầu tư còn bán hợp đồng tương lai dầu thô do lo ngại nhu cầu nhiên liệu sẽ sụt giảm nếu tiến trình mở cửa kinh tế khựng lại khi COVID-19 tái bùng phát. Giá dầu WTI giao sau giảm 8,2% xuống còn 36,34 USD/thùng.

Ngược lại, giá các tài sản an toàn như trái phiếu và vàng lại đi lên trong phiên 11/6. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống mức 0,66% - thấp nhất trong hơn một tuần gần đây (lợi suất giảm đồng nghĩa với giá tăng). Giá hợp đồng tương lai vàng tăng 1,1% lên 1.739,8 USD/ounce.

Song Ngọc