|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vietjet: Thị trường hàng không nội địa rất tiềm năng, thị trường quốc tế là không giới hạn

08:00 | 19/04/2019
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 diễn ra sáng nay (19/4), Vietjet trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế trên 6.200 tỉ đồng, cổ tức tỷ lệ 50%. Đồng thời bầu bổ sung 1 sếp ngoại vào HĐQT.

Vietjet quản lý chi phí nhiên liệu ra sao trước bối cảnh xăng dầu tăng giá?

Liên quan đến khả năng quản lý chi phí giá xăng dầu, ông Tô Việt Thắng, Phó TGĐ và Giám đốc Bộ phận An toàn, An ninh, Đảm bảo chất lượng của hãng (SSQA) của Vietjet, cho biết trong 2018, giá nhiên liệu tăng cao, sau đó giảm nhưng cũng có xu hướng tăng trở lại. Năm 2018, giá nhiên liệu tăng khoảng 30%. Đối với Vietjet, chi phí nhiên liên là thành phần tương đối quan trọng trong tổng chi phí khai thác.

Chiến lược quản lý chi phí nhiên liệu trong năm 2018, Vietjet mở rộng mạng bay quốc tế thêm 23 đường và chỉ tăng 1 đường bay nội địa. Trong khi giá nhiên liệu do chính sách đóng thuế môi trường, thường chiếm 20 - 22% khiến giá nhiên liệu trong nước cao hơn quốc tế, cho nên đường bay quốc tế góp phần lớn trong việc giảm chi phí khai thác.

Vì vậy, năm qua, nếu nhìn về chi phí khai thác trên mỗi ghế/km chỉ khoảng 0,43 cent, tương đối thấp trong khu vực, góp phần tăng lợi nhuận hoạt động khai thác bay.

Những biện pháp công ty triển khai từ đầu, Vietjet còn có đầu tư đội tàu bay hiện đại, có khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Năm 2018, công ty nhận 7/16 tàu bay A321neo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, trong tương lai có thể tiết kiệm thêm 2 - 3% nữa, ông Thắng cho hay.

Bên cạnh đó, Vietjet chủ động triển khai chương trình tiết kiệm nhiên liệu cho tất cả đội tàu bay nhằm tiết kiệm 5%, tương đương 3 triệu USD và giảm hơn 10 nghìn tấn khí thải.

Vietjet cũng chọn những đối tác các cung cấp nhiên liệu chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Vietjet có hệ thống những điểm cung cấp nhiên liệu thấp nhất để tối ưu hóa chi phí. Ngoài ra, Vietjet có phương án hegding về nhiên liệu để sẵn sàng thực hiện với tỷ lệ 30 - 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng.

Mục tiêu tăng trưởng 35% doanh thu vận tải hàng không trong ba năm tới

Tại đại hội, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành và thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (Mã: VJC), cho biết trong thời gian tới, Vietjet tập trung phát triển theo đúng những giá trị cốt lõi gồm hoạt động an toàn, chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động theo đúng giá trị cốt lõi khi thành lập hãng (an toàn, vui vẻ, giá rẻ, đúng giờ).

Theo đó, mục tiêu trong ba năm tới Vietjet đặt doanh thu vận tải hàng không tăng 35%, doanh thu hợp nhất tăng 38%, lợi nhuận sản xuất kinh doanh chính (vận tải hàng không) tăng 34%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 24%.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng và nhu cầu phát triển ngành hàng không Việt Nam, ông Khánh nhận xét rằng dư địa tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietjet nói riêng còn rất nhiều trong 5, 10, 20 năm nữa. 

Với nhu cầu đi lại càng ngày càng cao, đi bằng ô tô còn nhiều khó khăn, đi bằng tàu hỏa dù nhiều cải tiến nhưng còn tốn nhiều. Đặc biệt là đối với dân kinh doanh, di chuyển bằng hàng không vẫn là lựa chọn tốt nhất nhờ tiết kiệm thời gian. Theo ông Khánh, thị trường hàng không nội địa rất tiềm năng, thị trường quốc tế là không giới hạn.

Việc đi sang Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan hiện trở nên rất đơn giản. Hiện chúng tôi đang làm việc kỹ với Bộ Ngoại gia các nước về có thể đơn giản thu tục xin visa. Mặt khác Việt Nam may mắn nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế rất tốt, 5 -7%, ảnh hưởng đến du lịch, hàng không là ngành được lợi thế nhất.

Tóm lại, hàng không Việt Nam còn dư địa rất lớn gồm cả nội địa và quốc tế. Việc cần làm là quản lý hoạt động ngày càng hiệu quả hơn để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cổ đông. Chi phí trên ghế hay những hoạt động tăng trưởng doanh thu đang đi theo những mục tiêu này, ông Khánh nhận định.

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay thêm, Vietjet đang hoạt động trong môi trường tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân cao, bên cạnh sự bình ổn phát triển du lịch trong ngoài nước. Trong bán kinh bay 2.500 dặm từ căn cứ của Vietjet bao trùm lên một nửa dân số trên thế giới, đây là tiềm năng rất lớn cho Vietjet còn nhiều dư địa khai thác, đặc biệt là với những khách hàng có khả năng chi trả cao.

Nâng đội tàu bay lên 76 chiếc, cổ tức 2019 tỷ lệ 50%

Trong năm nay, Vietjet đặt kế hoạch phát triển đội tàu bay thêm 12 chiếc lên 76 chiếc; khai thác 145.870 chuyến bay, tăng 23% so với năm ngoái. Lượng hành khách và ghế cung ứng cùng tăng 20% lên 27,7 triệu hành khách và gần 31,46 triệu ghế.

Qua đó, Vietjet mục tiêu doanh thu vận tải hàng không 42.250 tỉ đồng, tăng 25%; doanh thu hợp nhất 58.393 tỉ đồng, tăng 9%.

Lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không 3.800 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6.219 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 25% và 7%.

Kế hoạch đến cuối năm 2019, Vietjet sẽ khai thác 76 tàu bay với hơn 145 nghìn chuyến bay, và vận chuyển hơn 27,7 triệu hành khách.

Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, Vietjet trình cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%; chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:25, tương đương phát hành 135,4 triệu cp. Dự kiến sau phát hành vốn điều lệ Vietjet tăng lên 6.770 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2019 sau khi được đại hội thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Kế hoạch chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 50%, ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn hình chức chia bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

Bổ sung sếp ngoại vào HĐQT

Mức thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT, BKS 2019 dự kiến 32 tỉ đồng.

Cũng tại đại hội, Vietjet bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2017 - 2022 đối với ông Donal Joseph Boylan (sinh năm 1963, quốc tịch Ireland, trình độ cử nhân kỹ thuật và cơ khí).

ĐHĐCĐ Vietjet: Thị trường hàng không nội địa rất tiềm năng, thị trường quốc tế là không giới hạn - Ảnh 1.

Ông Donal Joseph Boylan

Ông Joseph hiện là đối tác và đồng sáng lập BCAP Partners. Theo tìm hiểu của người viết, BCAP Partners là đơn vị chuyên về đầu tư và tư vấn toàn cầu trong mảng logistics, vận tải, đặc biệt là hàng không. Có kinh nghiệm sáp nhập và mua lại ở thị trường châu Á, phát triển kinh doanh toàn cầu đối với các công ty khởi nghiệp và vòng huy động vốn.

Ông Joseph từng có thời gian làm việc tại Công ty Cho thuê tài chính Hong Kong Bohai với vai trò Phó Chủ tịch kiêm CEO năm 2017 - 2018, Giám đốc Tập đoàn quốc tế HNA Group trong nửa đầu năm 2016, CEO quỹ đầu tư Hong Kong Avitation từ tháng 3/2011 - 3/2016, Trưởng bộ phận Hàng không vũ trụ của Ngân hàng Hoàng gia Scotland…

Vietjet tuyển mới khoảng 10 phi công mỗi tháng

Cuối năm 2018, Vietjet mở thêm 3 đường bay quốc tế: Phú Quốc – Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 22/12/2018 và 2 đường bay đến Nhật Bản gồm Hà Nội – Osaka từ 8/11/2018 và TP HCM – Osaka khai thác từ 14/12/2018. Theo kế hoạch, Vietjet cũng mở thêm đường bay Hà Nội – Tokyo từ giữa tháng 1/2019. Doanh thu từ các đường bay quốc tế ước tính sẽ tăng trưởng nhanh và chiếm tỉ trọng hơn 60% tổng doanh thu của Vietjet trong những năm tiếp theo.

Năm 2018, Vietjet đón nhận thêm và đưa vào khai thác 16 tàu bay mới, bao gồm Airbus A321, với độ tuổi trung bình chỉ 2,82 năm, tăng trưởng 23,08% so với năm 2017.

2018 cũng là năm đầu tiên Vietjet bắt đầu đưa vào khai thác tàu bay thế hệ mới A321 có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, giúp Vietjet tiết giảm chi phí vận hành Vietjet vận chuyển 23,06 triệu hành khách; khai thác 64 tàu bay với 105 đường bay (gồm 39 đường bay nội địa, 66 đường bay quốc tế); tỷ lệ bay đúng giờ đạt 84,2%.

Trong năm, Vietjet đã tuyển mới 180 phi công, 595 tiếp viên và các nhân sự khác. Trung bình mỗi tháng, Vietjet tuyển mới khoảng 10 phi công và mỗi năm tuyển khoảng 50 - 70 học viên phi công để đào tạo nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển lên tới hàng nghìn người…

Kết quả kinh doanh ghi nhận doanh thu đạt 53.577 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.816 tỉ đồng. Cổ tức tỷ lệ 55% gồm 30% là tiền mặt và 25% là cổ phiếu.

Hoạt động công ty con VietjetAir Cargo đạt doanh thu 8,7 tỉ đồng, tăng 24%; phát triển nhiều hợp đồng interline đối với các hãng hàng không quốc tế (hiện nay là 42 hãng so với 35 hãng năm 2017).

Thai VietJetAir - dự án liên doanh đầu tiên tại nước ngoài hoạt động theo mô hình nhượngười quyền thương hiệu từ Vietjet, Thai Vietjet hiện đang khai thác 7 tàu bay Airbus A320/A321 mới với cấu hình tương ứng 180/230 ghế, tăng 3 chiếc so với 2017. Trong năm 2018, Thai Vietjet thực hiện 13.978 chuyến bay, vận chuyển 2.184.888 triệu hành khách trên 11 đường bay đến các điểm nội địa tại Thái Lan và các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Đài Trung và Trung Quốc.

Tiến Vũ