Vietjet ghi chi phí bảo dưỡng máy bay thế nào?
Doanh thu vận chuyển khách quốc tế của Vietjet tăng gấp đôi trong năm 2018
CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – Mã: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 53.577 tỉ đồng, tăng trưởng 27%.
Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách nội địa đạt 12.827 tỉ đồng, tăng 19%; doanh thu vận chuyển khách quốc tế đạt 4.945 tỉ đồng, tăng trưởng 104%; doanh thu từ hoạt động cho thuê chuyến và cho thuê ướt tàu bay cũng tăng hơn 89%, đạt 6.909 tỉ đồng.
Doanh thu từ hoạt động phụ trợ đạt 8.410 tỉ đồng, tăng 54%; doanh thu từ cho thuê khô máy bay tăng gấp 4,5 lần đạt 437 tỉ đồng, doanh thu khác đạt 250 tỉ đồng, gấp đôi năm ngoái.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động bán tàu bay vẫn duy trì ở mức gần 19.800 tỉ đồng. Nếu loại bỏ phần doanh thu này, hoạt động kinh doanh chính của Vietjet Air đem về 33.779 tỉ đồng trong năm 2018.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần 3 lần lên 332 tỉ đồng nhờ tăng lãi tiền gửi được nhận và lãi do chênh lệch tỉ giá. Chi phí tài chính tăng 76% lên 918 tỉ đồng trong đó có các khoản mục đáng chú ý:
Vietjet tính giá trị thời gian của dòng tiền chiết khấu của các khoản dự phòng 435 tỉ đồng, tăng 56%; ghi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh đối với 50 triệu cổ phiếu OIL đang nắm giữ 174,5 tỉ đồng, ngoài ra lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái chưa thực hiện cũng trên 51 tỉ đồng, gấp 10 lần năm ngoái.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vietjet đạt 5.335 tỉ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ của Vietjet tăng lên 8.256 tỉ đồng.
Tàu bay trẻ, hiện đại của Vietjet Air
Dự phòng bảo dưỡng tàu bay Vietjet 11.055 tỉ đồng
Năm 2018, Vietjet chi 13.259 tỉ đồng cho nhiên liệu, con số này tăng 65% so với năm trước đó. Nếu tính trên giá vốn cung cấp dịch vụ hàng không, chi phí cho nhiên liệu tương đương hơn 45%.
Trong năm, Vietjet còn một số khoản chi phí đáng chú ý như 16.850 tỉ đồng cho mua máy bay, tương đương năm trước đó; 11.180 tỉ đồng chi phí dịch vụ mua ngoài, tăng 41%.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2018 của Vietjet Air đạt 39.086 tỉ đồng, gồm tiền và tương đương tiền 7.165 tỉ đồng.
Phải thu ngắn hạn khác 6.733 tỉ đồng chủ yếu là các khoản mục đặt cọc tàu bay nhận trong vòng 12 tháng (3.475 tỉ đồng), đóng góp vào quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê (1.185 tỉ đồng)…
Phải thu dài hạn khác, 9.876 tỉ đồng, tăng 53% gồm đặt cọc mua máy bay nhận sau 12 tháng (2.407 tỉ đồng), đóng góp quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê (5.461 tỉ đồng) và đặt cọc thuê tàu bay 1.047 tỉ đồng…
Nợ phải trả cuối kỳ 25.048 tỉ đồng, trong đó nợ vay ngắn dài hạn 5.530 tỉ đồng. Tổng giá trị các khoản dự phòng vào cuối năm 11.055 tỉ đồng, tăng thêm 3.224 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó cơ cấu bao gồm 1.911 tỉ đồng dự phòng ngắn hạn và 9.144 tỉ đồng dự phòng dài hạn.
Nếu phân bổ theo chức năng thì 10.251 tỉ đồng là dự phòng chi phí bảo dưỡng, 803 tỉ đồng là dự phòng hoàn trả tài sản thuê. Chính việc tính giá trị theo thời gian của các khoản dự phòng này gây nên chi phí tài chính phát sinh thêm (đã nói ở trên).
Được biết, Vietjet đã ký mua 121 máy bay của Airbus, 100 máy bay của Boeing; tại ngày 31/12/2018 công ty đã nhận về 55 tàu bay Airbus số còn lại dự kiến được chuyển giao đến hết 2023.
Để trang bị cho các máy bay này, Vietjet cũng đã đặt mua 106 động cơ từ CFM International và 90 động cơ từ United Technologies bao gồm thỏa thuận cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ.
Ngày 27/2/2019, Vietjet ký đặt hàng thêm 100 máy bay của Boeing, dự kiến được giao từ năm 2022 - 2025.
Theo chính sách kế toán của CTCP Hàng không Vietjet, dự phòng chi phí bảo dưỡng thuộc phạm vi của quỹ bảo dưỡng máy bay. Theo các điều khoản của hợp đồng cho thuê hoạt động tàu bay giữa Vietjet và bên cho thuê và theo yêu cầu của Cục hàng không Việt Nam, Vietjet có nghĩa vụ phải bảo dưỡng tàu bay thường xuyên và định kỳ theo kế hoạch bảo dưỡng của từng tàu bay (MPD), xây dựng trên hướng dẫn của nhà sản xuất tàu bay.
Bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện bằng chi phí riêng của công ty trong khi bảo dưỡng định kỳ được tài trợ bởi quỹ bảo dưỡng tàu bay.
Dự phòng chi phí bảo dưỡng tàu bay được xác định bằng cách chiết khấu các khoản chi phí bảo dưỡng dự kiến phát sinh trong tương lai dựa trên kế hoạch của đội bay hiện tại. Trong thời gian thuế, chi phí bảo dưỡng ước tính cho lần bảo dưỡng tiếp theo được ghi nhận vào dự phòng với khoản tương ứng ghi vào chi phí trả trước dài hạn.
Chi phí trả trước dài hạn này được phân bổ dựa trên thời gian và chu kỳ bay thực tế đến lần bảo dưỡng tiếp theo. Ảnh hưởng giá trị thời gian của dòng tiền được ghi nhận là chi phí tài chính.
Đối với việc Vietjet thuê hoạt động tàu bay, trong đó yêu cầu công ty trả lại tàu bay trong tình trạng đáp ứng được một số điều kiện bảo trì nhất định.
Chi phí hoàn trả tài sản thuê được ước tính tại ngày bắt đầu thuê dựa trên giá trị hiện tại của các khoản chi phí dự kiến phát sinh trong tương lai vào thời điểm kết thúc hợp đồng thuê để Vietjet có thể đáp ứng được các điều kiện nhất định để hoàn trả tàu bay cho bên cho thuê.
Tại ngày bắt đầu thuê, chi phí hoàn trả ước tính được ghi nhận vào dự phòng với khoản tương ứng ghi vào chi phí trả trước dài hạn. Chi phí trả trước dài hạn này được phân bổ theo phương pháp đường thẳng dựa trên thời gian thuê. Ảnh hưởng giá trị thời gian của dòng tiền được ghi nhận là chi phí tài chính.