|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Liên hiệp quốc đang cấm vận những gì với Triều Tiên?

21:43 | 26/04/2017
Chia sẻ
Trong hơn 10 năm qua, Liên hiệp quốc đã áp nhiều lệnh cấm vận với Triều Tiên, trải rộng từ hoạt động buôn bán vũ khí, dịch vụ tài chính... Liên hiệp quốc đang cấm vận những gì với Triều Tiên?

Theo CNN, từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp nhiều lệnh cấm vận đối với Triều Tiên để trừng phạt nước này về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ không mang lại hiệu quả, bởi các cuộc thử nghiệm và phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không có dấu hiệu dừng lại.

Lệnh cấm vận Liên hợp quốc đối với riều Tiên trải rộng từ hoạt động buôn bán vũ khí, dịch vụ tài chính cho tới thương mại.

Vũ khí

Theo lệnh cấm vận này, Triều Tiên bị cấm xuất, nhập khẩu mọi loại vũ khí, tàu chiến lớn nhỏ. Các nước thành viên của Liên hiệp quốc cũng bị cấm bán thiết bị hàng không, máy bay, tên lửa cho Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên hiệp quốc công bố tháng trước, thông qua nhiều công ty bình phong và tổ chức quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn buôn bán vũ khí và nhận cả tiền mặt lẫn vàng.

Than đá, khoáng sản và nhiên liệu

Than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên và cũng là nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế nước này. Liên hiệp quốc đã cấm tất cả các nước thành viên nhập than đá từ Triều Tiên, cùng với các loại khoáng sản khác như quặng sắt, vàng và khoáng chất hiếm.

Phần lớn than đá Triều Tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của quốc gia này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc công bố kế hoạch dừng nhập khẩu than đá từ nước láng giềng trong năm 2017.

Hàng xa xỉ

Lệnh cấm hàng xa xỉ của Liên hiệp quốc nhắm tới giới thượng lưu của Triều Tiên. Theo đó, các nước thành viên Liên hiệp quốc không được phép bán hàng xa xỉ như du thuyền, trang sức cao cấp, thảm đắt tiền... cho Triều Tiên.

Dịch vụ tài chính

Trong nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc luôn tìm cách cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Việc cô lập nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu là biện pháp chủ yếu. Theo đó, tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc và công ty trên lãnh thổ nước đó, không được phép cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo trên của Liên hiệp quốc cho thấy Triều Tiên đã thông qua mạng lưới công ty bình phong để tiếp cận các ngân hàng trên thế giới.

Cấm nhập cảnh

Những người có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ bị từ chối nhập cảnh vào các nước thành viên Liên hiệp quốc. Lệnh cấm này cũng áp dụng với những quan chức giúp lách luật.

Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Đồng thời, Liên hiệp quốc cũng giảm số nhân viên của các phái đoàn ngoại giao tại Triều Tiên.

Động lực thực thi không đủ mạnh

Theo CNN, các biện pháp cấm vận trên chỉ được thực hiện hiệu quả khi các chính phủ có khả năng và sẵn sàng làm việc đó. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc không có biện pháp độc lập nào để hối thúc thực thi các lệnh cấm vận, đồng thời các nước thành viên cũng không đủ nguồn lực và động lực chính trị để làm việc này.

"Các lệnh cấm vận này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và nhất quán”, báo cáo mới đây của tổ chức này về Triều Tiên cho biết.

Chính phủ các nước thành viên Liên hiệp quốc, gồm cả Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu, đã phải áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ buộc tội Triều Tiên là “mối nguy rửa tiền” và cấm ngân hàng Mỹ hợp tác với hệ thống công ty bình phong làm việc cho các tổ chức tài chính Triều Tiên.

Hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp thêm các biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên trước lo ngại Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Ông gọi nước này là “mối nguy thực sự với thế giới”.

Theo CNN, Mỹ đang lo ngại trong dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội vào 2/5 tới, Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Kim Tuyến