|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lịch sử hơn 100 năm ngành ô tô điện

07:41 | 27/03/2021
Chia sẻ
Ô tô điện hiện đang là xu hướng trên thế giới, tạo nên một cuộc đua gay cấn giữa các hãng sản xuất xe và hãng công nghệ.

Khởi nguyên của ô tô điện

Nổi lên từ những năm đầu thế kỷ 21 nhưng thực tế ô tô điện đã xuất hiện trên thế giới từ cách đây hơn 100 năm trước. Chuyên trang về ô tô Auto Express (Anh) đã tổng hợp lại trang sử về những chiếc ô tô điện đầu tiên.

Ô tô điện đã tồn tại từ cuối thế kỷ 19, song song cùng sự hình thành và phát triển của những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong.

Chiếc ô tô điện đầu tiên ra đời như nào? - Ảnh 1.

Chiếc xe TX electric London Taxi của hãng LEVC, có giá 55.599 bảng Anh (~1,75 tỷ đồng), có thể di chuyển trong phạm vi 112km khi chạy hoàn toàn bằng điện. (Ảnh: Auto Express).

Ở thời kỳ này, điện được coi là một trong những nguồn năng lượng có thể vận hành máy móc. Với khả năng của những chiếc ô tô đời đầu và tình trạng đường xá vào thời điểm đó, các chuyến đi của người dùng thường ngắn và phần lớn phương tiện giao thông bị giới hạn trong thành phố.

So với ô tô điện, những chiếc xe chạy bằng hơi nước ở thời kỳ đó có thể mất tới một tiếng để chuẩn bị và làm nóng cho một chuyến hành trình, còn xe sử dụng động cơ đốt trong thì bẩn thỉu, khó khởi động và vận hành. Ô tô điện được coi là sự lựa chọn tiện lợi, dễ sử dụng mà không cần bánh răng.

Trong sử sách không ghi rõ ai là người đầu tiên đã phát minh ô tô điện. Tuy nhiên, một số nhà tiên phong và nhà phát minh có thể kể đến như kỹ sư người Hungary Anyos Jedlik đã phát minh ra động cơ điện, nhà vật lý học người Pháp Gaston Plane đã phát minh ra pin axit-chì thương mại năm 1859, có thể tái sạc vào lần sau.

Phải mất một thời gian nữa vào năm 1884, một kỹ sư điện người Anh tên Thomas Parker đã ứng dụng cả hai phát minh trên và tích hợp trong một chiếc xe ngựa để tạo ra ô tô điện sản xuất đầu tiên tại London.

Thời kỳ huy hoàng

Những năm đầu thế kỷ 20, ô tô điện xuất hiện tràn ngập trên khắp nẻo đường của các thành phố nước Mỹ, giai đoạn này cũng được ví như thời kỳ hoàng kim của động cơ điện. 

Năm 1897, những người sử dụng xe điện thương mại đầu tiên là các tài xế taxi ở thành phố New York (Mỹ). Đơn vị vận hành taxi của thành phố cuối cùng đã phát triển lên hơn 60 xe taxi điện.

Chiếc ô tô điện đầu tiên ra đời như nào? - Ảnh 2.

Chiếc xe đầu tiên của hãng Porsche (Đức), chiếc P1. (Ảnh: Auto Express).

Một số nhà sử học ước tính có khoảng 1/3 ô tô trên đường phố Mỹ vào năm 1900 là chạy bằng điện, trong khi một số nguồn tin cho hay những năm 1899 và 1900, ô tô điện bán chạy hơn cả ô tô chạy bằng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, những chiếc xe này chỉ dành cho cư dân thành phố, với phạm vi và tốc độ tối đa ở mức dưới 20km/h.

Ở châu Âu, đôi khi người ta bắt gặp những chiếc taxi "Hummingbird" của Walter Bersley trên đường phố London (Anh), trong khi ô tô đầu tiên do nhà phát minh Ferdinand Porsche sáng chế là chiếc xe điện P1 từ năm 1898.

Hết thời, xe điện phục vụ cho các trang trại sữa

Tuy nhiên, sự phổ biến của ô tô điện thời kỳ đầu không phải do khả năng tiếp cận tới công chúng mà là ô tô sử dụng động cơ đốt trong thời đó không có nhiều.

Số lượng xe điện nhanh chóng sụt giảm khi giá dầu giảm đi, hãng Ford (Mỹ) tiên phong áp dụng kỹ thuật sản xuất hàng loạt với mẫu Model T vào năm 1908 làm cho giá của những chiếc xe động cơ đốt trong trở nên rẻ hơn.

Ô tô sử dụng động cơ đốt trong nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần khi chúng dễ sử dụng hơn nhờ thiết kế động cơ khởi động bằng điện. Đồng thời, mạng lưới đường bộ ngày càng phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng ô tô chạy nhanh hơn, phạm vi đi lại xa hơn và thời gian nạp năng lượng nhanh hơn.

Những chiếc xe chạy điện rơi vào "thời kỳ đen tối" gần như cả thế kỷ 20, thay vì được sử dụng rộng rãi, chúng chỉ phục vụ vận chuyển sữa tại các trang trại. Trái lại, những chiếc xe chạy xăng có giá cả phải chăng trở nên phổ biến hơn.

Chiếc ô tô điện đầu tiên ra đời như nào? - Ảnh 3.

Hãng ô tô Ford ra mắt chiếc Model T lần đầu tiên vào năm 1908, đây cũng là chiếc xe đánh dấu bước chuyển mình đầu tiên của dòng xe sử dụng động cơ đốt trong. (Ảnh: Auto Express).

Cho tới những năm 1970, giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ, chiếc xe điện Lunar Roving Vehicle (LRV) đã tạo nên một cú hích lớn khi là chiếc xe đầu tiên điều khiển trên mặt trăng vào năm 1971, với quãng đường đi được đạt 91km.

Một năm sau, phiên bản điện khí hóa của BMW 1600, thiết kế với động cơ Bosch 43bhp cùng phanh tái tạo, đã góp mặt tại Thế vận hội Munich 1972 với tư cách là phương tiện hỗ trợ chạy marathon.

Khi các nhà sản xuất bắt đầu quay trở lại với ô tô điện vào những năm 1990 trước các quy định thắt chặt về môi trường, các sản phẩm của họ được sản xuất với số lượng rất nhỏ và hầu hết là các mẫu chuyển đổi thô từ những chiếc xe thông thường.

Vào năm 1996, hãng General Motors (GM) đã công bố chiếc EV1. Đây là chiếc ô tô điện hiện đại được sản xuất hàng loạt đầu tiên từ một trong những công ty chủ chốt của ngành. Mẫu xe này phục vụ thị trường theo chương trình cho thuê và chỉ có hơn 1.000 xe được sản xuất.

Tuy vậy, khi GM ngừng chương trình EV1 vào năm 2003, nhiều mẫu xe đã biến mất khỏi đường phố và bị nghiền nát. Câu chuyện này từng gây ra phản ứng trái chiều và tranh cãi trong cộng đồng.

Chiếc ô tô điện đầu tiên ra đời như nào? - Ảnh 4.

Chiếc BMW 1602e gây sự chú ý từ công chúng tại Thế vận hội Munich 1972 vì được sử dụng như một chiếc xe hỗ trợ chạy marathon. (Ảnh: Auto Express).

Hồi sinh vì môi trường xanh

Sau sự kiện của GM, ô tô điện nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía người tiêu dùng và toàn ngành công nghiệp nhờ sự tiến bộ của công nghệ hybrid, trợ cấp từ Chính phủ, các quy định mới, mối quan tâm về vấn đề môi trường và cả những tiến bộ lớn về công nghệ. 

Khó có thể nói về ô tô điện trong điều kiện ngày nay mà không đề cập đến năng lực tự chủ và công nghệ mới. Điều này có được là nhờ vào cách tiếp cận mới từ những hãng xe tiên phong như Tesla.

Năm 2004, Elon Musk xây dựng công ty sản xuất xe điện Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự hình thành của một thế giới chủ yếu sử dụng xe điện.

Hãng cũng cho ra đời chiếc xe điện đầu tiên mang tên Roadster năm 2008, có thể đi được 320km cho mỗi lần sạc đầy và đạt tốc độ tối đa 200km/h. Trong những năm 2008-2012, hơn 2.450 chiếc Roadster đã được bán tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Tới năm 2013, Tesla tiếp tục gây sự chú ý cho công chúng khi dòng xe chạy điện Model S của hãng đứng thứ hạng cao nhất trong lịch sử (99/100) do tổ chức tiêu dùng của Mỹ Consumer Reports bình chọn, đồng thời có thứ hạng cao nhất về mức độ an toàn do Ủy ban an toàn đường bộ quốc gia của Mỹ đánh giá (5,4/5).

Chiếc ô tô điện đầu tiên ra đời như nào? - Ảnh 5.

Dòng xe Model S của Tesla. (Ảnh: Tesla).

Trong năm 2020, Tesla đã chứng kiến sự thăng hoa của mình khi đã giao tổng cộng 499.550 chiếc ô tô điện tới tay khách hàng, doanh số đạt ngưỡng cao kỷ lục vào quý IV khi đạt 180.570 chiếc, theo Bloomberg. Bản thân Elon Musk, CEO Tesla, lần đầu tiên trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới vào tháng 11/2020.

Bên cạnh Tesla, các hãng xe khác như Chevrolet (Mỹ), Nissan (Nhật Bản)... cũng gia nhập thị trường ô tô điện. Năm 2010, Chevrolet ra mắt mẫu xe Volt phiên bản plug-in hybrid đầu tiên được bán trên thị trường, theo đó, chiếc Volt cho phép người dùng lái xe chạy bằng điện và sử dụng xăng khi pin cạn.

Nissan cũng ra mắt mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của mình mang tên Leaf. Cùng với sự mở rộng mạng lưới khách hàng và xu hướng sử dụng xe điện, sau gần 10 năm gia nhập thị trường, doanh số bán ra của xe Leaf đã đạt mốc 400.000 chiếc, theo công bố từ Nissan vào tháng 5/2019.

Các hãng xe như Mitsubishi (Nhật Bản), SAIC Motor (Trung Quốc), Volkswagen (Đức), BYD Auto Co. (Trung Quốc)... cũng lần lượt gia nhập thị trường ô tô điện đầy tiềm năng này. Cùng với đó, các hãng xe đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành công nghiệp ô tô điện.

Đơn cử, hãng Volkswagen (Đức) đầu tư 50 tỷ USD cho xe điện, xe tự hành và công nghệ mới trong giai đoạn từ năm 2019 tới năm 2023. Tháng 11/2020, tới lượt hãng GM tuyên bố sẽ chi 27 tỷ USD cho các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện và xe tự hành đến năm 2025..

Bên cạnh những hãng sản xuất ô tô, các hãng điện thoại như Apple, Huawei đã tuyên bố gia nhập ngành công nghiệp giàu tiềm năng này. Đồng thời, nhu cầu hợp tác sản xuất pin cho xe điện cũng trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các hãng công nghệ.

Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập Liên minh Pin châu Âu vào năm 2017 để tự sản xuất pin, giảm sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ hoặc châu Á, và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 trong Thỏa thuận xanh.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự kiến đến 2030, xe điện trên thế giới (không bao gồm xe hai/ba bánh) sẽ đạt mức tăng trưởng 36% hàng năm, tương ứng 245 triệu xe vào năm 2030, gấp hơn 30 lần so với doanh số hiện nay.

Tường Vy