Lệnh trừng phạt từ Mỹ nhắm vào Nga có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Samsung trong năm 2022
Theo ban lãnh đạo Samsung Electronics và các nhà phân tích trong ngành, doanh số bán hàng của gã khổng lồ trong ngành công nghệ Hàn Quốc này sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm lớn bởi việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể ngăn Samsung xuất khẩu điện thoại thông minh sang Nga, theo Korea Times.
Nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định điều chỉnh các quy định về công nghệ điện thoại thông minh như công nghệ được sử dụng trong chất bán dẫn và các bộ phận hàng không vũ trụ, gã khổng lồ của Hàn Quốc sẽ đối mặt với một tương lai kinh doanh không chắc chắn ở Nga, nơi hơn 30 triệu điện thoại của công ty đã được bán vào năm 2021.
Những rủi ro trong kinh doanh như vậy đã xuất hiện kể từ khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in chậm trễ trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga. Các công ty Hàn Quốc được dự báo sẽ phải trả một cái giá đắt cho sự chậm trễ này.
Kể từ khi có những biện pháp trừng phạt này, đã có những lo ngại rằng không chỉ chất bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, mà ngay cả điện thoại thông minh cũng không thể vượt qua biên giới Nga nếu không có sự chấp thuận trước của chính phủ Mỹ.
Hàn Quốc là đồng minh duy nhất của Mỹ tuân theo quy định về Quy tắc sản phẩm trực tiếp ra nước ngoài (FDPR) do chính phủ Hàn Quốc phản ứng muộn với các lời kêu gọi của Mỹ đối với các lệnh trừng phạt Nga.
Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada và New Zealand, là những khu vực đã công bố các lệnh trừng phạt khác nhắm vào Nga cùng với Mỹ kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, những khu vực này không tuân theo quy định của FDPR. Hàn Quốc là đối tượng của quy định này cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo FDPR, các quốc gia đã sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ trong 57 mặt hàng và công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, thông tin và liên lạc, cảm biến, laser và hàng không vũ trụ, chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm đó sang Nga sau khi được Bộ Thương mại Mỹ cho phép.
Hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định có điều chỉnh những quy định liên quan đến điện thoại thông minh trong FDPR hay không. Tuy nhiên, các quan chức trong ngành tin rằng vì điện thoại thông minh mới nhất được trang bị chất bán dẫn và các ứng dụng di động tiên tiến nên có khả năng chúng được coi là mặt hàng chiến lược.
Nếu bị hạn chế, Samsung Electronics sẽ rất khó tiếp cận thị trường điện thoại thông minh tại Nga. Thực tế, các mẫu điện thoại của Samsung cũng chiếm thị phần lớn trong tổng doanh số điện thoại thông minh tại Nga năm 2021.
Theo các quan chức trong ngành, Samsung Electronics đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là điện thoại thông minh, sản phẩm xuất khẩu chính của công ty, không thể xuất khẩu sang Nga. Gã khổng lồ trong ngành công nghệ Hàn Quốc đang thu thập thông tin về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga.
Một quan chức của Samsung Electronics cho biết: "Chúng tôi đang chờ Bộ Thương mại Mỹ đưa ra thông báo chính thức về các mặt hàng chi tiết bị hạn chế. Hiện tại, chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách sát sao".
Samsung Electronics đã giới thiệu một loạt điện thoại thông minh mới, bao gồm cả dòng Galaxy S22 đến các thị trường lớn của Nga vào đầu tháng Hai. Nếu Samsung không thể xuất khẩu điện thoại sang Nga thì đây sẽ là một đòn nặng nề giáng vào tham vọng cũng như hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ này.
Tới ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, bao gồm kiểm soát xuất khẩu và phong tỏa các ngân hàng lớn.
Thực tế, Samsung Electronics từng hứng chịu những thiệt hại mà FDPR gây ra. Năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã thực hiện FDPR đối với xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, nhắm vào Huawei ở Trung Quốc. Điều này khiến Huawei bị loại khỏi danh sách 5 khách hàng hàng đầu của Samsung Electronics.