|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lệnh cắt lỗ giúp cắt lỗ hay … cắt lãi?

23:56 | 12/09/2018
Chia sẻ
Cái tên lệnh cắt lỗ tỏ ra hấp dẫn đối với khá nhiều nhà đầu tư, vì ai ai cũng muốn cắt bỏ khoản đầu tư thua lỗ. Nhưng thực tế lệnh này có thực sự giúp nhà đầu tư cắt lỗ, hay phản tác dụng và chuyển thành … cắt lãi?

Lệnh cắt lỗ là một loại lệnh được thiết lập để tự động bán cổ phiếu nếu giá cổ phiếu đó giảm xuống một ngưỡng nhất định. Giả sử anh A mua cổ phiếu XYZ với giá 10.000 đồng/cp và không muốn lỗ quá 15%, anh A sẽ đặt lệnh bán cổ phiếu ở mức 8.500 đồng/cp.

Nhìn chung không có một ngưỡng hợp lý chung nào cho các NĐT, mỗi người thường chọn một ngưỡng khác nhau và thường là số tròn như 10 – 15 – 20% chứ ít ai chọn các số lẻ như 12,81% hay 20,39% mặc dù số tròn hay số lẻ không có mấy khác biệt khi nhìn từ quan điểm đầu tư.

Tại sao lệnh cắt lỗ không có tác dụng?

Giá cổ phiếu không có tính tương quan chuỗi (serial correlation)

Nếu giá cổ phiếu có tính tương quan chuỗi thì giá cổ phiếu trong quá khứ sẽ có tác dụng dự báo giá trong tương lai, tức là nếu đã tăng thì sẽ có xu hướng tăng tiếp và đã giảm thì sẽ có xu hướng giảm tiếp.

Thậm chí có hẳn một trường phái đầu tư được xây dựng quanh giả thuyết tương quan chuỗi này gọi là phương pháp đầu tư thuận xu thế (momentum investing), tức là mua đuổi những cổ phiếu đang tăng giá và bán cắt lỗ những cổ phiếu đang giảm giá.

Thực tế nhiều thống kê cho thấy phương pháp đầu tư này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Chẳng hạn một nghiên cứu thực hiện bởi Rob Arnott trích dẫn trên tạp chí Financial Times tháng 10/2017 cho thấy, những quỹ đầu tư theo phương pháp đầu tư thuận xu thế, sau khi trừ đi các khoản phí, chưa một lần đánh bại thị trường chứng khoán Mỹ. Tác giả cũng tính toán rằng, một mô hình đầu tư thuận xu thế đơn giản chắc chắn không thể đánh bại thị trường trong 18 năm qua, kể cả khi chưa trừ các khoản phí.

Sở dĩ lệnh cắt lỗ và phương pháp đầu tư thuận xu thế không mang lại hiệu quả là vì giá cổ phiếu không mang tính tương quan chuỗi. Biến động giá cổ phiếu ngày hôm qua không có tác động đến giá cổ phiếu ngày hôm nay.

Một cổ phiếu đã giảm 5%, 10% hay 11,62 % không có nghĩa là nó sẽ dễ giảm hơn các cổ phiếu khác.

lenh cat lo giup cat lo hay cat lai

Tự động bán mà không cần lý do có phải là ý hay?

Giả sử anh A vẫn muốn sử dụng lệnh cắt lỗ và chọn mức 15% thay vì 14,61% hay 16,08%, đơn giản vì anh thích con số 15.

Khi giá giảm 15%, anh tự động bán ra toàn bộ cổ phiếu. Diễn biến giá cổ phiếu sau đó cũng giống như việc tung đồng xu, 50% khả năng sẽ tăng và 50% khả năng tiếp tục giảm. Đầu tư theo kiểu tung đồng xu là thiếu sáng suốt.

Khi sử dụng lệnh cắt lỗ, NĐT chỉ quyết định một cách máy móc chứ không suy tính kỹ càng những nguyên nhân sâu xa phía trong. Chẳng hạn: Tại sao giá cổ phiếu này lại giảm 15%? Vì xuất hiện tin xấu về doanh nghiệp hay vì cổ phiếu này điều chỉnh theo thị trường chung? Nếu là điều chỉnh theo thị trường chung thì cổ phiếu này đâu có tội tình gì.

Câu hỏi khác cần đặt ra là sau khi cắt lỗ bằng cách bán cổ phiếu đi, NĐT sẽ làm gì tiếp theo? Mua một cổ phiếu khác? Không có gì đảm bảo cổ phiếu được mua tiếp theo sẽ tăng hay giảm ít hơn cổ phiếu vừa bị bán đi. NĐT có thể tiếp tục phải bán cắt lỗ, cầm tiền mặt, mua cổ phiếu, bán cắt lỗ … vòng lặp cứ luẩn quẩn như vậy cho đến khi NĐT trắng tay. Liên tục mua cao, bán thấp và trả phí giao dịch không phải là cách làm giàu từ đầu tư.

Giả sử NĐT bán cắt lỗ sau đó ôm tiền đứng ngoài thị trường, lúc này NĐT rất dễ bỏ lỡ nhịp hồi phục của cổ phiếu sau khi điều chỉnh. Nói cách khác, NĐT mua cao, bán thấp, trả phí giao dịch và bỏ lỡ giai đoạn tăng lên của giá cổ phiếu.

Nhìn vào đồ thị các chỉ số chứng khoán trong giai đoạn thị trường giá lên có thể thấy, thị trường có rất nhiều lần điều chỉnh nhưng đều hồi phục rất nhanh sau đó và liên tiếp lập các đỉnh mới.

lenh cat lo giup cat lo hay cat lai

Nhiều NĐT không muốn “lỡ tàu” và mua lại cổ phiếu khi giá đã bắt đầu đi lên được một quãng. Chiến thuật bán thấp rồi mua cao này cũng không phải là cách làm giàu từ đầu tư.

Việc mua bán chỉ dựa theo một mốc cắt lỗ được xác định tùy tiện còn đồng nghĩa với việc NĐT không biết dựa vào yếu tố cơ bản nào để vào lại. Nhiều khi doanh nghiệp trước sau vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường nhưng lúc trước thì NĐT bán cổ phiếu, lúc sau thì mua?!!

Giá giảm mà không cắt lỗ thì làm gì?

Thực tế nếu NĐT đã nghiên cứu cẩn thận trong khâu lựa chọn cổ phiếu, lệnh cắt lỗ là không cần thiết. Nói vậy không có nghĩa là NĐT nên ngồi yên xem giá rơi.

Khi giá một cổ phiếu giảm, NĐT cần tìm hiểu nguyên nhân giá giảm là gì. Nếu giá cổ phiếu điều chỉnh theo thị trường chung, NĐT nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Nếu giá giảm vì một biến động bất thường, không lặp lại của doanh nghiệp, NĐT cũng nên xem xét tiếp tục giữ cổ phiếu.

Chỉ khi nào giá giảm do các yếu tố hoạt động kinh doanh căn bản của công ty có diễn biến tiêu cực, những phân tích ban đầu về doanh nghiệp không còn đúng nữa, NĐT mới nên xem xét bán cổ phiếu đi.

Xem thêm

Kiên Dương